Là đô thị có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, nhưng phần lớn hành lang ven sông, kênh rạch của TP Hồ Chí Minh chưa được khai thác, thậm chí bị hoang hóa, lãng phí. Thời gian gần đây, chính quyền thành phố đang tìm nhiều giải pháp để “đánh thức” khu vực giàu tiềm năng này.
Vụ sạt lở nghiêm trọng tại khu vực bờ kênh Thanh Đa - đoạn 1.1 (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) xảy ra vào cuối tháng 6/2023 khiến hàng trăm mét bờ kênh bị hư hỏng, sạt lở nặng. Hay vụ sạt lở bờ sông Sài Gòn khiến UBND TPHCM phải chỉ đạo di dời khẩn cấp 13 hộ dân sinh sống tại đây để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.
Không để lãng phí tài nguyên
Đây không chỉ là lần đầu tiên lãnh đạo UBND TPHCM phải ra chỉ đạo khẩn để khắc phục sự cố liên quan đến sạt lở bờ sông (đầu tư khoảng 90 tỷ đồng) và di dời khẩn cấp 15 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, mà từ năm 2005 đến nay riêng khu vực bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã xảy ra nhiều vụ vỡ bờ kè tương tự. Tuy nhiên tình trạng xây dựng lấn chiếm hành lang bờ sông vẫn tồn tại kéo dài, khiến thường trực nguy cơ sụt lún và sạt lở. Từ năm 2006 đến nay UBND TPHCM đang triển khai Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, đây là một trong những dự án trọng điểm về chống sạt lở trên tuyến sông Sài Gòn, kỳ vọng sẽ mở ra bộ mặt mới khu vực ven sông thuận tiện các hoạt động phát triển kinh tế khác ở khu vực này. Mặc dù đã được triển khai rất lâu, nhưng tiến độ lại rất chậm, mãi cuối năm 2019 mới chỉ có đoạn 1 được hoàn tất, đến nay các đoạn còn lại vẫn dang dở do vướng mắc mặt bằng.
Không chỉ thi công với tiến độ “rùa bò”, việc chậm hoàn tất và bàn giao các công trình chống sụt lún, sạt lở bờ sông cũng đang khiến nhiều quận, huyện ven sông, kênh rạch của TPHCM phải bị động ứng phó với các sự cố liên quan, nhất là vào cao điểm mùa mưa hàng năm và không khai thác được diện tích ven sông để triển khai các hoạt động phát triển kinh tế.
Sự cố sạt lở bờ kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đang xử lý dở dang thì một vụ sạt lở đất nguy hiểm khác trên tuyến sông Sài Gòn thuộc khu phố 3C, phường Thạnh Lộc (quận 12) cũng xảy ra vào tháng 8 gây thiệt hại khá lớn về tài sản, rất may không để xảy ra thiệt hại về người.
Gia đình ông Nguyễn Tiến Thành (38 tuổi), hộ dân sống gần quán cà phê Giao Khẩu xây dựng sát bờ sông Sài Gòn thuộc khu phố 3C, phường Thạnh Lộc (quận 12) cho biết, không chỉ riêng quán cà phê này bị sạt lở gần 40m trong sự cố vào giữa tháng 8 vừa qua, mà các đợt triều cường đầu tháng 9 và tháng 10 cũng khiến các hộ dân ở sâu bên trong khu vực bờ sông thuộc khu phố 3C cũng bị ngập úng do nền đất yếu. “Gần như năm nào chúng tôi cũng lo lắng vấn đề sụt lún và sạt lở do sống ở gần sông, không làm ăn được gì cả” - ông Thành bày tỏ.
Những lo lắng của người dân là có cơ sở khi mới đây Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM qua quá trình khảo sát cho thấy, vị trí sạt lở thuộc bờ phải sông Sài Gòn, tại Km 39 + 800 trên địa bàn phường Thạnh Lộc (quận 12) vẫn còn diễn biến phức tạp, với các vết nứt tiếp tục xuất hiện, kèm theo nguy cơ tiếp tục sạt lở xảy ra rất cao. Trong khi một số khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông khiến cho các địa phương vừa tốn kinh phí để khắc phục, vừa không triển khai, khai thác được các thế mạnh hay tiềm năng phát triển kinh tế khu vực ven sông.
Đáng chú ý, hiện TPHCM vẫn có những nơi có thế mạnh lớn để phát triển kinh tế ven sông nhưng lại chưa được chú ý hay bị bỏ phí. Ông Trần Văn Tâm (TP Thủ Đức) cho biết, một đoạn bờ sông Sài Gòn khu vực bến An Phú đang được khai thác dịch vụ water bus đường sông hàng ngày thu hút rất đông du khách, nhất là giới trẻ. “Hàng ngày đi làm về qua khu vực, các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng ăn theo tuyến xe buýt đường sông này của thành phố. Tuy nhiên, rất tiếc là việc khai thác chỉ kéo dài một đoạn bờ sông, trong khi phần còn lại phía bờ kênh Thanh Đa phía đối diện (thuộc quận Bình Thạnh) vẫn để hoang hóa, rất lãng phí” - ông Tâm chia sẻ.
Tận dụng khai thác, tạo nguồn thu
Để khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế khu vực ven sông, đầu năm nay, Sở Xây dựng TPHCM khánh thành đưa vào hoạt động cụm công trình công viên Mê Linh và bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn. Đây là công trình quan trọng nằm trong kế hoạch đầu tư nhằm chỉnh trang lại khu vực trung tâm, tạo “điểm đến” hấp dẫn cho du lịch TPHCM, đồng thời cũng đóng góp vai trò lưu giữ lại một số biểu tượng giá trị lịch sử của thành phố, như Bến Nhà Rồng, khu tượng thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, di tích Ba Son,…
TPHCM cũng quyết định chỉnh trang toàn bộ khu vực công viên bến Bạch Đằng (phía quận 1, TPHCM) từ ranh cột cờ Thủ Ngữ đến ranh của dự án Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son, với quy mô gần 19.000 m2. Khu vực hoàn thiện và hình thành nhiều khu chức năng, bao gồm khu tưởng niệm lịch sử; khu xúc tiến du lịch và khu công viên cộng đồng. Dù mới đưa vào hoạt động cụm công trình kể trên chưa lâu, nhưng cũng đã thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói” thành phố hồi phục sau đại dịch Covid-19. Vừa qua trung tâm của cụm công trình ven sông này cũng đã được chọn đăng cai tổ chức Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ I năm 2023. Phát biểu tại đây, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, trải qua hơn 300 năm, thành phố luôn phát triển dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ “trên bến dưới thuyền”, đã giúp làm nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM. Việc này cũng đã giúp TPHCM trở thành một đô thị ven sông không chỉ gắn với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hoá và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập.
Để chủ động khai thác nguồn tài nguyên ven sông hết sức phong phú, tiềm năng, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về việc triển khai Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM năm 2023 - 2024. Trong đó, thành phố sẽ thực hiện rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất dọc sông Sài Gòn trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp trên nền tảng từ các thông tin đề án quản lý ngành, chương trình phát triển du lịch, quản lý nông nghiệp, công nghiệp và các đồ án quy hoạch...và triển khai phát triển đồng bộ kinh tế, dịch vụ ven sông của thành phố. UBND TP cũng dự kiến xem xét, chấp thuận tích hợp các nội dung phát triển kinh tế ven sông vào đồ án quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Trước đó, để hiện thực hóa đề án, các lãnh đạo TPHCM đã cùng đoàn khảo sát dọc sông Sài Gòn để đánh giá tổng thể tiềm năng. Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, lãnh đạo thành phố luôn chủ trương huy động tất cả các nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nguồn lực tài nguyên ven sông, kênh rạch. Việc khai thác nguồn tài nguyên này, theo Bí thư Thành ủy TPHCM, sẽ tính toán hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước để tất cả đều đồng thuận với chủ trương của thành phố.
Các tỉnh Đông Nam bộ hợp tác khai thác kinh tế sông
Liên quan đến Đề án phát triển kinh tế sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, tại cuộc họp vùng khu vực Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, đường ven sông Sài Gòn sẽ được TPHCM tận dụng quy hoạch không gian đô thị xứng tầm, với cảnh quan “trên bến dưới thuyền”, tạo động lực tăng trưởng chung cho phát triển kinh tế, xã hội và du lịch vùng. Cũng theo ông Lâm, các tỉnh Đông Nam bộ đều thống nhất cần có một tuyến đường ven sông Sài Gòn, trong đó hiện Sở GTVT TPHCM đang cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố rà soát để điều chỉnh quy hoạch, bổ sung vào quy hoạch chung của TPHCM. Riêng tuyến đường ven sông của TPHCM có thể được quy hoạch thành đường với 4-6 hoặc 8 làn xe. Đặc biệt, khi các tuyến đường ven sông kết hợp với Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM- Mộc Bài và các tuyến đường thủy sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của toàn vùng Đông Nam bộ.