Để đối phó với với thực trạng dược liệu ngày một cạn kiệt, nhiều thầy lang đã nghĩ ra nhiều cách để giữ lại nguồn thuốc quý.
Nhiều loại cây thuốc phổ thông, dược liệu quý đang dần biến mất, trước nạn khai thác ồ ạt cả cây to, lẫn cây non, đào tận gốc, lẫn rễ rồi đem rửa sạch, cắt lát phơi khô… bán cân cho thương lái xuất qua Trung Quốc. Khiến giờ đây, nhiều thầy lang Việt phải tìm mọi phương kế gìn giữ nguồn dược liệu.
Xuất thuốc quý, nhập “rác” dược liệu
Lương y Lã Thị Mai (xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, nhiều loại dược liệu quý dần biến mất từ vài năm gần đây. Nguyên nhân được lương y này chỉ rõ, là do thương lái Trung Quốc đặt hàng giá cao hơn trong nước, khiến người dân lũ lượt kéo nhau vào rừng khai thác theo kiểu tận diệt, khiến thảo dược không thể nào kịp mọc.
Lương y Mai cho biết thêm, như cây thuốc Hoàng đằng vốn trước đây được phân bố khá rộng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Thế nhưng, sau cơn sốt thu hái hoàng đằng để bán thì nay đã khan hiếm. Thời điểm đó thương lái thu mua cả thân lẫn rễ. Lúc đầu giá chỉ có 4.000 - 5.000 đồng/kg, tới năm 2009 đội giá lên 12.000 đồng/kg. Hiện, giá thành cây Hoàng đằng lên đến hàng trăm nghìn đồng một kg, nhưng cũng chẳng còn để mà hái.
Hay như nấm lim xanh rừng cũng được rất nhiều thương lái thu gom xuất sang Trung Quốc. Trước đây giá 1 kg nấm lim xanh rừng có giá 500.000 đồng, sau đó được đẩy giá lên tới 2 triệu đồng/kg. Hiện giá 1 kg nấm lim xanh lên tới hơn chục triệu đồng, nhưng cũng không sẵn.
Trong khi đó, theo lương y Dương Hiếu ở Thái Nguyên, những loại dược liệu bị tận diệt, vốn trước đó xuất hiện khá nhiều ở khu vực Thái Nguyên, như: cát sâm, hà thủ ô, ba kích, kê huyết đằng, thiên lý hương, thiên niên kiện, dây na rừng, thiên môn đông…
Hiện phần đa người làm nghề thuốc ở đây đều phải nhập dược liệu từ nhiều nơi, nhiều nguồn khác nhau. Trong số này, phần lớn là dược liệu được nhập từ Trung Quốc. Đặc điểm nội bật nhất của dược liệu được tuồn vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch, kém chất lượng, đa số đã bị chiết hoạt chất.
Trong khi đó, nhiều hộ dân ở làng nghề trồng dược liệu nổi tiếng khắp nước, có tuổi đời hơn 500 năm nay, làng Nghĩa Trai (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên), đã phải thừa nhận, hiện số cây dược liệu trồng tại làng cung cấp cho thị trường chỉ chiếm 1/3, số còn lại chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Vẫn theo nhiều hộ dân ở làng nghề này, thì dược liệu nhập từ Trung Quốc thường bị trộn lẫn nhiều tạp chất gây hại, cụ thể là bị độn dược liệu đã bị trưng cất hết hoạt chất… do vậy mà giá dược liệu nhập từ Trung Quốc chỉ bằng phân nửa, thậm chí bằng 1/3 giá thuốc trong nước.
Biến vườn nhà thành… “rừng” dược liệu
Trước nạn khai thác cây thuốc theo lối tận diệt, nên giờ đây, số ngày đi rừng tìm thuốc của những thầy lang bản địa kéo dài cả tuần. Như thầy lang Nguyễn Văn Huân ở huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Do khan dược liệu và để tồn tại được với nghề, thầy lang Huân buộc phải đến các tỉnh xa như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… để tìm, đặt mua dược liệu.
Đây là điều trước kia chưa từng xảy ra đối với những người làm thuốc Nam như thầy lang Huân và những người làm nghề khác.
Theo lời thầy lang Huân, mỗi lần đi lấy thuốc phải đi ngược lên mạn Than Uyên, Quỳnh Nhai rồi xuống Thuận Châu của tỉnh Sơn La mới lấy đủ dược liệu làm thuốc.
Còn lương y Dương Thị Hiến ở làng thuốc Yên Sơn (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) cũng khổ sở vì thiếu nguồn dược liệu phụ vụ chữa bệnh. Nếu như trước đây, bà Hiến có thể hái được hàng trăm loại thảo dược quanh dãy núi Ba Vì. Nhưng nay bà Hiến buộc phải đi lên vùng Yên Bái, Phú Thọ đặt người dân bản địa tìm những loại dược liệu mà trên dãy núi Ba Vì đã cạn kiệt…
Để đối phó với với thực trạng dược liệu ngày một cạn kiệt, nhiều thầy lang đã nghĩ ra nhiều cách để giữ lại nguồn thuốc quý, hạn chế việc người dân khai thác dược liệu bán cho Trung Quốc.
Đơn cử như tại làng thuốc cổ truyền Yên Sơn của người Dao đỏ nằm dưới chân núi của Vườn Quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì). Nhiều thầy lang nơi đây đã cải tạo khu vườn rộng nhiều hecta của gia đình nằm ngay dưới chân núi của Vườn Quốc gia Ba Vì giống như môi trường ở rừng thật, với những vô vàn con dĩn, con vắt, lẫn khí hậu ẩm ướt…
Những thời gian sau đó, cứ hễ tìm được cây thuốc quý nào là lang Hiến cũng như nhiều thầy lang khác lại đem về vườn nhân giống. Cây nào sinh trưởng trong bóng râm thì bà Hiến trồng nơi bóng râm, cây nào ưa ánh sáng thì bà trồng nơi thoáng. Sau nhiều năm nỗ lực nhân giống, đến nay, vườn thuốc của bà lang Hiến đã bảo tồn được trên 30 loại thảo dược như củ dom, tam thất, sâm...
Các thầy lang ở làng thuốc Yên Sơn thường dùng trên dưới 200 loại dược liệu để bốc thành thang thuốc. Nhưng hiện tại các hộ gia đình làm nghề nơi đây mới chỉ nhân giống được gần 50 loại cây thuốc. Trong số gần 50 loại cây thuốc này chỉ 3 - 4 loại có đủ số lượng lớn, để bốc thuốc, còn lại vẫn phải nhân giống. Còn những loại dược liệu chưa ươm được, các hộ làm nghề nơi đây vẫn phải trực tiếp lên rừng thu hái hoặc đặt mua lại từ người dân một ở một số vùng núi cao phía Bắc.
Trong khi đó, nhiều thầy lang có tiếng sinh sống nơi vùng đất Lào Cai lại có cách làm mới, đó là hợp tác với người dân bản địa trên dãy núi Tả Phời (xã Tả Phời, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) trồng dược liệu. Và sau đó chính những thầy lang này sẽ bao tiêu toàn bộ nguồn dược liệu làm ra với giá cao. Nhưng quan trọng hơn là tạo ra một tương lai bền vững cho cả người dân lẫn thầy lang.