Trước phản ánh từ bệnh viện và của người dân về thủ tục phiền hà khi đi khám chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam ra Công văn số 1155/BHXH-CSYT về việc giải quyết quyền lợi BHYT khi người bệnh chuyển tuyến gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân.
Không để người dân đi khám chữa bệnh bằng BHYT gặp phiền hà vì thủ tục.
Trước đó BHXH Việt Nam nhận được Công văn số 365/CV-BVBM ngày 1/4/2019 về việc Tra cứu thông tin chuyển tuyến trên Cổng Tiếp nhận của Hệ thống Thông tin giám định BHYT. Theo phản ánh của Bệnh viện Bạch Mai, hàng ngày Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT đến cơ sở khám, chữa bệnh khác (đặc biệt, Bệnh viện Phổi Trung ương) quay lại yêu cầu xác nhận về mức hưởng BHYT tại Bệnh viện để các cơ sở khám, chữa bệnh đang thực hiện theo Điểm 3.2 tại Công văn số 4996/BHXH-CSYT ngày 29/11/2018 của BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng nhận được ý kiến phản ánh của người tham gia BHYT về việc một số cơ sở khám, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh chuyển tuyến khám, chữa bệnh ĐHYT khi tra cứu trên Cổng Tiếp nhận của Hệ thống Thông tin giám định BHYT không thấy lịch sử khám, chữa bệnh ở cơ sở khám, chữa bệnh nơi chuyển tuyến nên không giải quyết quyền lợi hưởng BHYT theo quy định.
Tại Điểm 3.2 Công văn số 4996/BHXH-CSYT ngày 29/11/2018 của BHXH Việt Nam hướng dẫn cơ sở tuyến trên tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh, để có thêm thông tin làm căn cứ giải quyết quyền lợi cho người có thẻ BHYT trong trường hợp được chuyển tuyến theo quy định tại Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Vì vậy, các cơ sở khám, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh chuyển tuyến từ chối giải quyết hưởng BHYT hoặc yêu cầu người bệnh quay về cơ sở khám, chữa bệnh nơi chuyển tuyến để xác nhận mức hưởng BHYT tại bệnh viện là không đúng các quy định hiện hành về khám, chữa bệnh BHYT và hướng dẫn tại Điểm 3.2 trong Công văn số 4996/BHXH-CSYT nêu trên, gây phiền hà, không đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT, giảm phiền hà và không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho người bệnh BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh có văn bản đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT chấm dứt ngay tình trạng nêu trên, giải quyết quyền lợi hưởng BHYT cho người tham gia BHYT theo đúng các quy định về khám, chữa bệnh BHYT. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu trên Cổng Tiếp nhận của Hệ thống Thông tin giám định BHYT không thấy lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh nơi chuyển tuyến thì vẫn phải căn cứ vào Giấy chuyển tuyến BHYT để giải quyết quyền lợi cho người có thẻ BHYT theo quy định hiện hành. Đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc gửi dữ liệu điện tử phục vụ quản lý khám, chữa bệnh BHYT ngay sau khi kết thúc lần khám bệnh hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú hoặc kết thúc đợt điều trị nội trú của người bệnh theo đúng quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 21 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; BHXH các tỉnh khẩn trương thực hiện, kịp thời báo cáo BHXH Việt Nam những khó khăn vướng mắc để được giải quyết.