Theo kế hoạch của Bộ Y tế, lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 25/9. Đây là những nỗ lực nhằm hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Ngày 24/9, thông tin về hoạt động này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án án Khám, chữa bệnh từ xa - Telehealth giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là: “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Tính đến nay, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…
Trong qua trình triển khai Telehealth, không ít bệnh nhân tại vùng sâu vùng xa đã thoát cửa tử nhờ hệ thống này. Một trong số đó là trường hợp mẹ con sản phụ Trần Thị T. 30 tuổi là giáo viên ở huyện Ba Đồn, Quảng Bình, được cứu sống kịp thời nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba và Bệnh viện Trung ương Huế thông qua Đề án Khám chữa bệnh từ xa -Telehealth. Chị nhập viện khi thai 35 tuần, dọa sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Sản phụ đã được Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba, Đồng Hới báo cáo hội chẩn qua Telehealth với Bệnh viện TƯ Huế và được cứu sống kịp thời cả mẹ và con.
PGS. Trần Minh Điển- Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: Hiện, có 4 mức độ hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa khác nhau. Mức độ đầu tiên đó là videocall - các bác sĩ kết nối với nhau ở trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu. Mức độ thứ 2 là kết nối cuộc họp giữa các bệnh viện khác nhau để đưa ra thông tin hội chẩn, chẩn đoán cho người bệnh. Tiếp đó ở mức độ thứ 3, các bệnh viện tuyến dưới phải được trang bị đầy đủ các phần mềm quản lý bệnh viện để truyền tải hình ảnh chụp chiếu của người bệnh.
Mức độ cuối cùng trong khám, chữa bệnh từ xa đó là việc truyền tải hình ảnh của tất cả các tuyến về tình trạng bệnh nhân để các bác sĩ ghi nhận, xem xét tính trạng người bênh.
Với 4 mức độ này, tùy theo tình hình sức khỏe và tình trạng của người bệnh, các bệnh viện có thể kết nối với nhau trong mọi tình huống từ những ca bệnh phức tạp đến những trường hợp mắc bệnh nặng, việc điều trị gặp khó khăn.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho biết, mục tiêu của Đề án Khám, chữa bệnh từ xa là tất cả mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương. Bên cạnh đó, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm khi triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, là vấn đề bảo mật thông tin của người bệnh. Vấn đề này đã được Bộ Y tế nêu rõ tại Quyết định số 4054/QĐ-BYT ban hành tạm thời hướng dẫn và quy định tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước có đăng ký khám chữa bệnh từ xa. Trong đó yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tham gia hội chẩn phải bảo mật thông tin của người bệnh theo đúng quy định của pháp luật.