Mỗi mùa Hà Giang có một vẻ đẹp riêng, nhưng có lẽ tháng 2 Hà Giang mang ấn tượng mạnh mẽ nhất, bởi từ nơi núi đá cằn cỗi và hoang dại quanh năm màu xám xịt bỗng khoác vẻ lộng lẫy bởi sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa mơ, màu hồng thắm của bích đào, vẻ mơ màng của đào phai... Một hành trình ngẫu hứng càng khiến người ta thêm say đắm mảnh đất này.
Cung đường Hà Giang.
Cung đường tới Hà Giang uốn lượn với nhiều đoạn quanh co và những khúc cua tay áo là một thử thách không nhỏ. Nhưng khi đã vượt qua nỗi sợ hãi thì Hà Giang luôn mang lại cho bạn sự ngạc nhiên.
Đã nhiều lần tới Hà Giang, nhưng đây là mùa xuân đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, và có lẽ chưa khi nào tôi thấy Hà Giang đẹp đến vậy. Trong cái nắng hanh hao, gió se sắt, hoa cỏ rộn rã từng bước chân du khách.
Ấn tượng với du khách nhất có lẽ là những thảm hoa đào rực rỡ, đâu đâu cũng thấy những cây hoa nở hồng rực một vùng. Trong mỗi nhà dân đều có ít nhất 2, 3 cây đào, những cây đào cổ thụ đẹp tự nhiên.
Chúng đã trải qua bao mùa xuân và vẫn giữ nguyên cái nét đẹp, sắc thắm. Cành đào uốn cong buông rủ những bông hoa trước hiên nhà, hình ảnh người mẹ bế đứa trẻ bên cành hoa biểu tượng của xuân khiến lòng du khách không khỏi bâng khuâng...
Trước hành trình này, nhiều phượt thủ khuyên rằng, đừng đi theo lịch đặt sẵn, mà đến với mùa xuân Hà Giang, hãy để cảm xúc dẫn lối. Bởi vậy, chúng tôi đã có thời gian lang thang khắp các ngả từ Quản Bạ (Quyết Tiến, Minh Tân), Yên Minh (Lao Và Chải, Na Khê, Bạch Đích), Đồng Văn (Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Thài Phìn Tủng), Mèo Vạc (Sủng Trà, Sủng Trái, Lũng Phìn) để thưởng ngoạn bức tranh xuân Hà Giang với hoa đào, mận, cải khoe sắc cùng với nền đá xám lạnh của cao nguyên đá, với những nếp nhà trình tường, thấp thoáng sắc màu thổ cẩm sặc sỡ phơi bên hàng rào đá...
Trong đó, cung đường Đồng Văn – Mèo Vạc được các phượt thủ cho là điểm đẹp nhất để ngắm hoa đào. Người ta còn gọi Hà Giang là nơi mùa xuân đến muộn bởi mùa hoa đào nở ở đây thường bắt đầu từ tháng 11 đã có hoa đào sớm và nở rộ vào sau Tết cổ truyền khoảng 1 – 1,5 tháng, là khoảng tháng 2 và đầu tháng 3 dương lịch.
Một chuyến đi không theo lịch trình, mọi thứ đều được quyết định một cách ngẫu hứng sẽ thật thú vị. Chúng tôi đặt ăn trưa cùng với gia đình người bản xứ ở Lao Chải với rau cải mèo luộc ngọt lịm và thịt lợn rang. Đơn sơ vậy nhưng đó là một bữa ăn ngon khó quên.
Sau bữa trưa, chúng tôi được nghe nhạc lãng mạn bên rừng thông với những rặng trúc ở Lao Chải, bên ngôi nhà trình tường có cây hoa đào đang độ mãn khai. Hay tìm hiểu cách người Mông ở cao nguyên đá làm mật ong bạc hà cũng khá thú vị, họ đã vận dụng việc ong xà đến những đám hoa bạc hà tím biếc mà hút mật vào việc nuôi ong của mình.
Sắc trắng hoa mận.
Họ sản xuất theo phương thức truyền thống, trồng hoa ngay ở quanh khu vực nuôi ong nhà mình để chúng ra hút mật nhanh nhất. Với việc sản xuất này, họ đã cho ra sản phẩm mật ong nguyên chất không hề bị pha tạp nên rất ngon. Nghề nuôi ong lấy mật của người Mông trên cao nguyên đá đã có từ nhiều đời nay, mỗi gia đình đều có vài ba tổ ong nuôi lấy mật.
Người Mông dạy chúng tôi nhận biết loại mật ong xịn là phải có mùi thơm rất riêng, màu vàng ánh xanh, ngọt lịm, hương thơm man mát đặc biệt dễ chịu...
Rồi những nẻo đường săn ảnh tới nhập nhoạng tối, lang thang trong làng xin nước uống, xem người dân thu hoạch củ cải, gieo hạt ngô xuống những hốc đất nhỏ xen trong đá, trò chuyện với bọn trẻ, nhìn bọn trẻ háo hức với những chiếc bánh chiếc kẹo chúng tôi tặng.
Đêm Đồng Văn, ngồi trong ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi, nhâm nhi tách cà phê nóng hổi và lắng nghe tiếng khèn Mông giữa cao nguyên đá Đồng Văn. Những ngày này, khách du lịch ra vào cà phê nườm nượp.
Đào phai bung nở bên hiên nhà.
Người bên ngoài tổ chức trò chơi, hát tập thể, người trong quán có thể vừa nhâm nhi cà phê, vừa cổ vũ theo. Xen lẫn những bài hát Kinh rộn ràng là tiếng khèn réo rắt và điệu múa uyển chuyển của cô gái Lô Lô.
Dù chẳng thể hiểu hết những ngôn từ bài hát hay giai điệu bản khèn, nhưng người ta vẫn cảm nhận được tình cảm gần gũi và ấm áp. Với những người thích không gian trầm lắng sẽ chọn cho mình một góc quán Cà phê phố cổ. Được xây dựng từ năm 1912, tuy trải qua nhiều thăng trầm cùng khu phố cổ, nhưng ngôi nhà vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Sớm hôm sau, chúng tôi ra chợ Đồng Văn để thưởng thức món đặc sản mà người dân nơi đây gọi là thắng cố. Quả thực, đối với du khách thập phương thưởng thức món ăn này là một trải nghiệm.
Chợ phiên Đồng Văn nằm ngay giữa khu phố cổ của thị trấn Đồng Văn, Chủ nhật hằng tuần, dân quanh vùng, những người Mông, Tày, Bố Y… lại đến đây để trao đổi, mua bán hoặc chỉ để vui chơi, giao lưu. Trong phiên chợ không thể thiếu đặc sản thắng cố – là món ăn ngon, lạ và thu hút bao khách du lịch tây có, ta có.
Một bát thắng cố có giá khoảng 20 – 30 nghìn đồng, thơm ngon, nghi ngút khói bên chén rượu ngô thơm nồng. Dễ nhận thấy người dân bản xứ quây quần bên bàn gỗ ăn chầm chậm, họ vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả.
Nhưng nhiều du khách gọi món ra rồi nhưng vẫn cứ ngồi quan sát, ngửi xem mùi vị ra sao, được sự động viên của người đi cùng đoàn mới dám ăn chút một, có người không dám ăn bởi mùi vị đặc trưng của thắng cố.
Người bán thắng cố ở chợ Đồng Văn cho biết, thắng cố được làm từ “lục phủ ngũ tạng” bò, ở đây không có thắng cố ngựa, lòng ngựa bây giờ đắt và ít.
Ngoài muối và chút ít mì chính, gia vị cho món thắng cố cần phải có thảo quả, địa điền nướng thơm, tán nhỏ, ướp vào thịt trước lúc đem xào. Anh chàng người Mông ngồi bên cạnh cười tươi roi rói nói với chúng tôi rằng, lên vùng cao nguyên cực Bắc mà chưa thưởng thức món thắng cố và uống chén rượu ngô thì coi như vẫn chưa thấy được nét văn hóa đặc trưng của đất và tình người cao nguyên đá...