Tại Quảng Nam đang xảy ra tình trạng khan hiếm cát xây dựng, giá cát tăng cao, khiến người dân, doanh nghiệp cùng khó khăn.
Đồng loạt đóng cửa mỏ
Những dòng sông như Thu Bồn, Vu Gia luôn được xem là những vựa cát lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng khoảng một tháng qua, các mỏ cát lớn trên 2 con sông này đồng loạt dừng hoạt động khiến nhu cầu cát phục vụ các công trình xây dựng thiếu trầm trọng, chính vì thế giá cát tăng cao chưa từng có.
Ngày 23/2, chúng tôi đi dọc các dòng sông Vu Gia, Thu Bồn ghi nhận cảnh vắng lặng ở các mỏ cát này. Nếu như trước đây, các mỏ cát Trường Lợi, Giao Thủy Pha Lê, ở huyện Đại Lộc, Tân Phước Yên ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam)… xe cộ ngày đêm rầm rập chở cát, dân kêu trời vì bụi bặm, đường sá hư hỏng, thì nay hầu hết các mỏ cát này đã dừng hoạt động, ghe thuyền di chuyển đi nơi khác, xe cộ, máy móc đậu im lìm tại bãi. Công trường không một bóng người.
Bà Trần Thị Hai (68 tuổi) - người dân thôn Quảng Huế, xã Đại An, huyện Đại Lộc là người có nhà ngay sát mỏ cát Tân Phước Yên cho biết, không hiểu vì sao mấy tháng trước hoạt động khai thác cát vẫn rầm rộ, nhưng cách đây khoảng một tháng mỏ cát này đóng cửa và từ đó đến nay chưa hoạt động trở lại, không khí đìu hiu, khác hẳn ngày thường. Chuyện này chưa từng xảy ra ở nơi đây”.
Một người dân khác cho biết: “Tôi được biết không chỉ mỏ cát này mà các mỏ cát khác trên địa bàn cũng đã đóng cửa, do đó người dân muốn mua cát xây dựng nhà cửa rất khó khăn. Giá cát từ 300.000 đồng có lúc lên đến 500.000 đồng/m3, thậm chí có lúc không có cát để mua”.
Còn anh Trần T. một đại lý cát xây dựng ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, anh chủ yếu nhập cát ở các mỏ của sông Thu Bồn, Vu Gia. Thế nhưng sau Tết, các mỏ cát này đồng loạt tạm dừng khai thác nên cung không đủ cầu, không chỉ doanh nghiệp khan hàng mà người dân cũng gặp khó trong xây dựng nhà cửa.
“Do không đủ cát để bán nên mùng 9 Tết tôi bán mở hàng lấy ngày rồi đóng cửa tới nay, khách hàng hối thúc nhưng không có cát thì biết làm sao. Đại lý bị động vì không hoạt động, nhân viên nghỉ việc, nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất là chẳng biết đến khi nào các mỏ cát hoạt động trở lại” - anh T. chia sẻ.
Điêu đứng vì cát
Ông Đỗ Xuân Tân - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Huy Khoa (Quảng Nam) cho biết: “Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tôi chưa từng thấy tình trạng khan hiếm cát như hiện nay. Giá cát nhập từ nơi khác đang cao hơn 40% so với bình thường. Nếu tình hình này kéo dài thì các nhà thầu sẽ gặp khó, dự án không đạt khối lượng, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư và nhiều vấn đề liên quan khác”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - là một chủ thầu xây dựng cho biết, mỗi khối cát đến tận công trình tùy theo loại giá có thể từ 350.000 đến 400.000 đồng/m3. Cát khan hiếm, giá cao như hiện nay thì doanh nghiệp phải gánh quá nhiều cái khó nếu đã ký kết các hợp đồng với chủ nhà.
Tại TP Đà Nẵng, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, ông Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP xây dựng công trình 545 (TP Đà Nẵng) cho biết: “Từ trước đến nay, chúng tôi chủ yếu sử dụng cát ở các mỏ cát của Quảng Nam nếu nhập cát từ Quảng Ngãi về TP Đà Nẵng quãng đường dài 130km thì phải gánh chi phí quá cao. Cụ thể, so với trước Tết, doanh nghiệp ở Đà Nẵng nhập cát từ Đại Lộc (Quảng Nam) với giá 250.000-280.000 đồng/m3 bao gồm phí vận chuyển, bây giờ phải nhập từ Quảng Ngãi với giá trên dưới 500.000 đồng/m3 thì lỗ nặng” - ông Sơn nói.
Thực tế, những mỏ cát trên 2 sông Thu Bồn và Vu Gia cung cấp khối lượng lớn cát cho tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Vì thế khi các mỏ này đồng loạt dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng ở 2 địa phương này. Vì thế các doanh nghiệp cho rằng, các công trình xây dựng sẽ bị ngưng trệ, có khả năng không đạt tiến độ, doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng đôn đốc các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản để đáp ứng nhu cầu sử dụng cát và bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.
Với các mỏ cát đóng cửa tạm thời ở địa phương, ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trước Tết, các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu cát của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang rà soát thủ tục khai thác, tạm dừng hoạt động nên không đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường.
“Trong vài ngày tới, các doanh nghiệp sẽ khai thác trở lại. Trước khi đi vào khai thác, doanh nghiệp phải gửi công văn cho huyện, xã và các doanh nghiệp bên ngoài để công khai giá và huyện sẽ rà soát lại để đảm bảo mặt bằng chung, tránh tình trạng nâng giá” - ông Khương nói.
Ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký công văn về việc tăng cường công tác quy hoạch và quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh này. Mục đích nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản (trong đó có đất, đá, cát, sỏi lòng sông) theo đúng quy định, đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng tăng giá đột biến.