Ngày 18/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng dẫn đầu đoàn công tác đã kiểm tra việc khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra tại các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và thành phố Sầm Sơn.
Kè chắn sóng Khu Du lịch biển Hải Tiến bị sóng biển đánh vỡ tan hoang. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN).
Hoằng Hóa là địa phương bị thiệt hại nặng do bão số 10 gây ra. Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện, nước biển dâng cao và sóng lớn trong ngày 15-16/9 đã phá hủy tuyến đê bao ven biển với chiều dài 2,5 km thuộc xã Hoằng Phụ. Nước dâng cao tràn ngập gây thiệt hại 1.212ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 27ha nuôi tôm thâm canh, 1.133ha nuôi nước lợ quảng canh cải tiến.
Sóng cao từ 5-7m đã làm cho toàn bộ 12 km bờ biển của biển Hoằng Hóa bị xâm thực sâu vào đất liền từ 30-40m, với diện tích đất mất là 420 ha.
Tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, bão số 10 đã khiến nhiều công trình, cơ sở hạ tầng du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Sóng biển đã phá hủy, cuốn trôi toàn bộ 4,5km bờ kè chắn sóng, đường giao thông ven biển cùng các công trình phụ trợ khác như hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh...
[Bờ biển Thanh Hóa sạt lở nặng nề sau cơn bão số 10]
Dọc bờ biển Hải Tiến, khoảng 3.000 gốc dừa và 5.000 gốc phi lao bị bão quật đổ trơ gốc, nằm đổ rạp dọc bờ biển. Toàn bộ tuyến đường ven biển trước các Khách sạn Ánh Phương, Paracel, Hải Tiến Xanh, Euro Hai Tien... bị tốc bờ bao, tốc gạch, hệ thống tường rào bị gãy đổ...
Thiệt hại tại Khu Du lịch biển Hải Tiến ước tính khoảng 435 tỷ đồng. Nước biển còn tràn vào hệ thống khách sạn ven biển cuốn theo một khối lượng cát lớn khiến công tác dọn dẹp, khắc phục rất vất vả và kéo dài.
Ông Lê Đức Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa khẳng định: Bão số 10 tuy không đổ bộ trực tiếp vào Hoằng Hóa nhưng đã để lại những hậu quả rất nặng nề. Toàn bộ tuyến kè chắn sóng 4,5km có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sự xâm thực của biển đối với cơ sở hạ tầng và toàn bộ Khu du lịch Hải Tiến.
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra và đảm bảo an toàn cho dân cư khu vực ven biển, khôi phục hoạt động du lịch, Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa rất mong muốn được Trung ương và tỉnh Thanh Hóa xem xét hỗ trợ kinh phí để đầu tư khôi phục khẩn cấp tuyến kè chắn sóng Khu Du lịch Hải Tiến. Hệ thống kè này nếu được đầu tư kiên cố sẽ vừa phòng chống được thiên tai, vừa giúp cho ngành du lịch tại đây phát triển bền vững.
Trong chuyến đi thị sát tại huyện Hoằng Hóa sáng 18/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã trực tiếp kiểm tra tuyến kè và đường ven biển tại Khu du lịch biển Hải Tiến đồng thời chia sẻ với các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng.
Những thiệt hại về diện tích nuôi trồng thủy sản ở Hoằng Hóa, tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương thống kê thiệt hại, làm báo cáo để Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất.
Liên quan đến việc xây dựng tuyến kè chắn sóng tại Khu du lịch biển Hải Tiến, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho rằng đây là phương án cần thiết, mang tính cấp bách để đảm bảo an toàn cho Khu du lịch Hải Tiến và các xã ven biển huyện Hoằng Hóa trong điều kiện thiên tai ngày càng cực đoan.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao cho huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến kè chắn sóng tại Khu du lịch Hải Tiến; giao Sở Tài chính dành ngay 15 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng để huyện Hoằng Hóa tư vấn thiết kế với yêu cầu tuyến kè vừa phòng chống được bão, đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng cũng như tính mạng nhân dân đồng thời hình thức phải đẹp để phát triển du lịch.
Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa và các nhà đầu tư liên hệ với các Bộ, ban ngành liên quan để đề nghị cấp kinh phí dự phòng từ Trung ương. Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa huy động các nhà đầu tư làm con đường ven biển trong Khu du lịch Hải Tiến, tiến hành song song cùng quá trình xây dựng tuyến kè chắn sóng, đảm bảo mọi công việc xong trước 30/4/2018 để đón đầu mùa du lịch mới.