Bất động sản

Khẩn trương xử lý dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài

H.Vũ 09/07/2025 09:52

Các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, nguy cơ thất thoát, lãng phí đang gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. Do đó cần phải khẩn trương tháo gỡ.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cùng với hoàn thiện thể chế về phòng, chống lãng phí, đã khẩn trương rà soát, xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, nguy cơ thất thoát, lãng phí để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm một số sai phạm có liên quan để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa có hiệu quả.

tren(2).jpg
Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chậm tiến độ, gây lãng phí. Ảnh: Quang Vinh

Còn báo cáo của Chính phủ xác định, đến nay đã có hơn 2.800 công trình, dự án chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, với nguồn lực tồn đọng rất lớn, khoảng trên 347 nghìn ha đất, giá trị đầu tư hơn 5,8 triệu tỷ đồng. Qua rà soát, bước đầu đã giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 867 công trình, dự án trong số này để đưa vào khai thác, tiếp tục đầu tư, khởi động đầu tư, với tổng giá trị đầu tư ước tính khoảng 372 nghìn tỷ đồng. Về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương đến nay riêng Đà Nẵng đã giải quyết xong 566/1.313 dự án.

Trong phát biểu kết luận phiên họp thứ 28 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Trước vấn đề mang tính cấp bách này, trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ xử lý dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng kéo dài gây lãng phí nguồn lực và cản trở phát triển các doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan; chấm dứt tình trạng chậm thanh toán các hợp đồng của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã ký với doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phải tập trung thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, sửa đổi định mức, tiêu chuẩn làm cơ sở để tiết kiệm, chống lãng phí trong các luật chuyên ngành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, đánh giá toàn diện về hiện trạng tài sản công của các cơ quan, tổ chức thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy; có kế hoạch tổng thể, đồng bộ trong việc quản lý, sử dụng, chuyển giao trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy; ưu tiên bố trí, chuyển đổi trụ sở dôi dư thành cơ sở phúc lợi công cộng, bảo đảm tất cả tài sản dôi dư được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 3/7 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý 2.365 dự án vướng mắc, tồn đọng kéo dài theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.

Trong cuộc làm việc với Đà Nẵng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu, Đà Nẵng phối hợp các bộ, ngành để tháo gỡ dứt điểm vướng mắc tại 13 dự án trên bán đảo Sơn Trà và các dự án đã có bản án. Cũng liên quan vấn đề trên, Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý phần còn lại, với tinh thần chủ động và quyết liệt hơn.

Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên họp thứ 28, ông Lê Văn Cuông, nguyên phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí là vấn đề cấp bách đang gây nhức nhối trong xã hội, bởi lãng phí có khi còn nhiều hơn cả tham nhũng. Đây là vấn đề ai cũng nhìn thấy nhưng xử lý rất chậm, do đó cần tập trung để giải quyết.

Dẫn chứng việc vừa qua tổ chức thực hiện sắp xếp bộ máy, sáp nhập tỉnh, thành, xã, bỏ cấp huyện để thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp được thực hiện với tinh thần thần tốc, đúng các mốc thời gian quy định, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, ông Cuông cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm quý báu cần phải áp dụng để phân công cụ thể đối với các cơ quan, làm rõ trách nhiệm đối với các dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp. Từ đó có hướng tháo gỡ, xử lý trên phạm vi toàn quốc để các dự án công trình sớm đi vào sử dụng, tránh bị lãng phí, thất thoát. Nhất là vừa qua thực hiện sắp xếp thì số công trình trụ sở đang còn dôi dư rất lớn. “Như 2 bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Việt Đức cơ sở 2 sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư thì các cơ quan đã vào cuộc, có sự chuyển biến ngay, được khơi thông, hiện đang xúc tiến mạnh mẽ để sắp tới đây đưa vào sử dụng” – ông Cuông dẫn chứng.

Theo ông Lê Như Tiến, ĐBQH khoá XIII, lãng phí chính là “hòn đá tảng” cản đường sự cất cánh của đất nước hiện nay. Một quy hoạch sai, quyết định đầu tư sai có thể làm dự án công trình lãng phí, “nằm đắp chiếu” tiền của nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. “Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Phải tìm ra tác giả của thất thoát lãng phí, bóc tách và làm rõ trách nhiệm của từng người, từng khâu. Từ đó đưa ra phương án xử lý, tháo gỡ để các dự án, công trình sớm đi vào hoạt động” - ông Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương xử lý dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài