Mặt trận

Khẳng định vai trò chủ trì, điều phối của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Quốc Định

Ngày 21/5, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh khẳng định, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Quốc hội đang triển khai việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

img_0767.jpg
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Q.Định).

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng pháp lý cao nhất điều chỉnh các quan hệ chính trị - pháp lý cơ bản của đất nước. Sau hơn 10 năm thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện vai trò to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, trước yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, định hướng phát triển lâu dài.

Trong đó, việc sửa đổi các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là một nội dung trọng tâm. Điều 9 trong bản Dự thảo mới của Hiến pháp khẳng định mạnh mẽ hơn vị trí của Mặt trận Tổ quốc là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời cụ thể hóa các chức năng: đại diện, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát huy dân chủ và tăng cường đồng thuận xã hội.

Đặc biệt, đây lần đầu tiên Hiến pháp quy định rõ nguyên tắc hoạt động “hiệp thương dân chủ, phối hợp, thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc”, xác lập rõ vai trò chủ trì, điều phối của Mặt trận trong hệ thống các tổ chức thành viên.

“Điều này mở ra điều kiện pháp lý thuận lợi để nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh gọn đầu mối, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp hiện nay”, ông Tuấn nhấn mạnh.

img_0775.jpg
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Q.Định).

Ngoài ra, việc sửa đổi Điều 84 nhằm trao quyền trình dự án luật, pháp lệnh cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là sự khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của Mặt trận trong tham gia xây dựng thể chế, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bằng hình thức pháp lý cao nhất.

“Việc góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn là trách nhiệm cao cả của mỗi chúng ta – những người đã và đang công tác trong hệ thống Mặt trận và hệ thống chính trị. Bởi xây dựng Hiến pháp không chỉ là vấn đề của các nhà lập pháp mà còn là vấn đề của toàn dân”, ông Tuấn nói.

Cụ thể hoá cơ chế "chủ trì" và "thống nhất hành động"

Phát biểu tại Hội nghị, bà Võ Thị Dung – nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

img_0724.jpg
Bà Võ Thị Dung góp ý cho Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. (Ảnh: Q.Định).

Theo bà Võ Thị Dung, Hiến pháp 2013 không có quy định về hệ thống chính trị của nước ta. Nay dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, tại Điều 9 có nêu “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Vì vậy, bà Dung đề nghị cần sửa đổi, bổ sung để làm rõ hệ thống chính trị của nước ta, cụ thể cần thêm: “Hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Như vậy sẽ làm rõ nội dung bổ sung ở Điều 9 về phần “là một bộ phận của hệ thống chính trị nước ta”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, việc Dự thảo Nghị quyết quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo. Điều này không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà còn làm rõ hơn các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi như tập hợp, đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

img_0691.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Q.Định).

Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp mà không làm mất đi tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên, cơ chế "chủ trì" và "thống nhất hành động" cần được cụ thể hóa. Nhất là chức năng giám sát, phản biện xã hội cần có cơ chế đảm bảo hiệu quả thực thi mạnh mẽ hơn, khắc phục tình trạng hình thức, né tránh còn tồn tại.

Do đó, bên cạnh việc đồng ý với hướng sửa đổi tại Dự thảo, ông Hậu kiến nghị trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn cần quy định cụ thể quy chế phối hợp chi tiết giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên cùng cấp, phân định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong từng lĩnh vực.

“Quan trọng là phải thiết lập cơ chế pháp lý hữu hiệu để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các cơ quan nhà nước tiếp thu, giải trình, xử lý nghiêm túc, có thể xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiến nghị xử lý trách nhiệm vào Hiến pháp hoặc luật chuyên ngành, cụ thể là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn,…”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẳng định vai trò chủ trì, điều phối của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam