Kinh tế

Khẳng định vị thế của gạo Việt

An Bình 02/12/2023 14:10

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế (The Rice World) năm 2023 diễn ra tại Cebu, Philippines từ ngày 27/11 đến 1/12/2023, Việt Nam đã giành giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới". Điều này một lần nữa khẳng định vị thế và giá trị của gạo Việt trên trường quốc tế.

anhbaitren(1).jpg
Gạo Việt đã và đang khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Ảnh: Hiền Thanh.

Tin vui làm nức lòng người trong ngành

Theo thống kê Hải quan, trong nửa đầu tháng 11/2023, cả nước đã xuất khẩu 332.214 tấn gạo, trị giá đạt 219 triệu USD. Lũy kế đến 15/11, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, mang về 4,15 tỷ USD.

Còn theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,65 triệu tấn gạo, thu về 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

Bên cạnh kỷ lục về xuất khẩu, ngày 30/11 gạo Việt tiếp tục đón tin vui khi được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”. Cụ thể, tại họp báo Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 ngày 1/12, ông Trần Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã vượt qua các đối thủ và được vinh danh giải Nhất "gạo ngon Nhất thế giới" (World’s Best Rice).

Danh hiệu này là minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp (DN) nước ta.

Theo đó, Việt Nam có 3 doanh nghiệp tham dự hội nghị và gửi 6 mẫu gạo tham gia giải thưởng. Cụ thể, Doanh nghiệp Hồ Quang - Hồ Quang Trí gửi 2 mẫu gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời gửi 2 mẫu gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn ThaiBinh Seed gửi 2 mẫu gạo TBR39-1 và nếp A Sào.

“Được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế”- ông Cường khẳng định.

Theo các DN và chuyên gia ngành lúa gạo, việc được vinh danh tại sự kiện quốc tế là sự khích lệ lớn đối với DN Việt Nam. Đây là cơ hội để các thương hiệu Việt uy tín mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm. Hội nghị cũng là điều kiện tốt cho các DN sản xuất và xuất khẩu tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, thị trường và giá cả phù hợp.

Tiếp tục bứt phá

Cùng với sự kiện được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam cũng tăng 5 USD lên mức 663 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 30/11. Đáng chú ý, dù thời gian gần đây giá gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan liên tục tăng mạnh nhưng gạo Việt Nam vẫn giữ vững ngôi đầu thế giới khi bỏ xa đối thủ 20 USD/tấn (dữ liệu mới nhất từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết giá gạo 5% tấm của nước này đang ở mức 640 USD/tấn).

Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2023 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,5 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay. Bộ Công thương cũng nhận định, Việt Nam đang có nhiều cơ hội trước những biến động của thị trường gạo thế giới. Đây cũng là lúc Việt Nam sẽ đón nhận những khách hàng quốc tế mua những lô hàng lớn và ổn định lâu dài.

Tuy vậy, các DN cần nắm rõ biến động tại các thị trường nhập khẩu để có định hướng thu mua các đơn hàng. Ngoài ra, lựa chọn thời điểm phù hợp để ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

Mới đây, ngành lúa gạo cũng nhận tin vui khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL là nội dung mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; đồng thời bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh...

Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh, con đường lúa gạo không chỉ dừng ở hạt gạo. Chúng ta tích hợp đa giá trị, là kinh tế tuần hoàn. Từ rơm, trấu, cám... có thể làm được rất nhiều sản phẩm khác, tại sao không tận dụng? Tích hợp đa giá trị, chúng ta bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến.

Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý điều hành hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công thương đã và đang tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, VFA theo dõi sát tình hình sản xuất thóc, gạo, biến động thị trường gạo thế giới để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẳng định vị thế của gạo Việt