Kháng thuốc kháng sinh: Nguy cơ không còn thuốc chữa

Đức Trân 23/11/2021 07:37

Kháng sinh ra đời là một bước ngoặt trong lĩnh vực y tế, giúp con người có công cụ để chống lại các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng nguy hiểm. Nhưng theo thời gian, với việc lạm dụng kháng sinh đã khiến các loại vi khuẩn gây bệnh gia tăng khả năng kháng lại kháng sinh dẫn đến nhiều bệnh nhiễm trùng không thể điều trị khỏi.

Kháng sinh bị lạm dụng

Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng kháng lại tác dụng của thuốc, khiến các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng kháng sinh được xác định là 1 trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà con người đang phải đối mặt. Cụ thể, thống kê của WHO trên 114 quốc gia cho thấy, hệ quả của kháng kháng sinh là người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu, số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; ở Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ có khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động lớn đến kinh tế, xã hội ở các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo, kém phát triển.

WHO cũng dự báo, đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu có thể lên tới 100.000 tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, hiện các nghiên cứu lâm sàng về thuốc kháng sinh mới đã cạn kiệt. Vào năm 2019, WHO đã xác định được 32 loại kháng sinh trong quá trình phát triển lâm sàng, trong đó chỉ có sáu loại được phân loại là cải tiến. Hơn nữa, việc thiếu khả năng tiếp cận với các chất kháng khuẩn chất lượng vẫn là một vấn đề lớn.

Tại Việt Nam, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, nước ta là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực Châu Á. Thông tin từ WHO cho biết, Việt Nam đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh và quá mức, cụ thể, kháng sinh chiếm hơn 50% các thuốc dùng cho người và thông thường được bày bán tại các nhà thuốc công cộng.

Đưa ra ví dụ về kháng kháng sinh, GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam cho biết, ông đã từng điều trị cho một bệnh nhân 37 tuổi bị viêm tụy cấp gây suy đa tạng có nguy cơ tử vong cao. Nhưng người bệnh kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh thông thường buộc các y bác sĩ phải sử dụng tới thuốc thế hệ mới nhất để điều trị. Nếu không mắc phải kháng kháng sinh, bệnh nhân có thể đã khỏi bệnh và được ra viện từ rất sớm, thay vì nằm viện hơn 1 tháng để điều trị. “Kháng kháng sinh nói dễ hiểu là không còn thuốc kháng sinh nào có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh” - ông Bình cho biết.

Cần bỏ thói quen mua, bán thuốc không đơn

Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ kháng kháng sinh tại nước ta ở mức cao, theo các chuyên gia y tế là do tình trạng tự ý mua thuốc kháng sinh để sử dụng của người dân. Việc người dân mua kháng sinh tại các hiệu thuốc để tự điều trị những căn bệnh như sốt, ho, cảm cúm không hề hiếm gặp trong suốt những năm qua. Nhiều người vẫn giữ thói quen chỉ đi khám 1 lần, những năm về sau giữ lại đơn thuốc để tự đi mua uống mỗi khi gặp triệu chứng bệnh tương tự.

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh: Người dân không nên cất đơn thuốc của lần khám trước để lần sau đem dùng, hay chia sẻ đơn cho người khác hoặc dùng không hết thuốc cất thuốc đi cho lần sau. Ngay cả việc khi sử dụng một loại thuốc không đỡ thì tự động phối hợp kháng sinh cũng rất nguy hiểm.

Trước mối họa về kháng kháng sinh các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có bất ổn về sức khỏe người dân cần đến khám bởi bác sĩ chuyên môn để được sử dụng kháng sinh đúng, phù hợp. “Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài nỗ lực từ bệnh viện, từ nhân viên y tế, bản thân cộng đồng, người dân cũng phải có trách nhiệm. Trong đó, hạn chế mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi” - ông Bình nêu.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Hơn 1 năm qua, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, vấn đề nâng cao hiểu biết, nhận thức của mọi tầng lớp người dân về việc sử dụng thuốc kháng sinh (5 đúng) đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian, càng cần thiết được nâng cao. Hơn bao giờ hết, việc đối phó với kiểm soát dịch bệnh cũng như phòng, chống kháng thuốc ngày càng trở nên quan trọng. Ngành y tế các cấp, từ Trung ương đến địa phương cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao, tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý góp phần vào công cuộc phòng chống kháng thuốc, trong điều trị và cho tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kháng thuốc kháng sinh: Nguy cơ không còn thuốc chữa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO