Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Khánh Hòa đang tích cực triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 3 của chương trình.
Tiểu dự án 1 của Dự án 3 Chương trình MTQG 1719 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện. Theo ông Nguyễn Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, tính đến giữa tháng 10/2023, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 335 hộ gia đình đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách của Tiểu dự án 1 của Dự án 3 với tổng diện tích lập hồ sơ thiết kế, dự toán giao khoán bảo vệ rừng hơn 9.480ha.
Cụ thể, huyện Khánh Sơn có 18 hộ đăng ký bảo vệ hơn 230ha; huyện Khánh Vĩnh có 38 hộ đăng ký bảo vệ gần 955ha; Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương có 25 hộ đăng ký bảo vệ 750ha; Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa có 18 hộ đăng ký bảo vệ 540ha; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa có 216 hộ đăng ký bảo vệ gần 6.480ha và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa có 20 hộ đăng ký bảo vệ hơn 525ha.
Dự kiến trong năm 2024, diện tích giao khoán bảo vệ rừng cũng tương tự, kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng gần 3,8 tỷ đồng.
Mới đây, qua giám sát của HĐND tỉnh về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh”, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương rà soát diện tích, đối tượng thụ hưởng chính sách; tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đăng ký tham gia các tiểu dự án của Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719. Từ đó, giúp các địa phương miền núi phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Việc phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.