Sáng 28/10, trong khuôn khổ Lễ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc NIC và Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 diễn ra tại Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn NIC Hoà Lạc.
Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; GS.TS Đặng Lương Mô, nhà khoa học đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP); ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC); ông Trương Công Minh Hiển, Chủ tịch Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu…
Báo cáo quá trình hình thành Trung tâm, tại buổi lễ, ông Trương Công Minh Hiển cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến 2045 cũng như phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam, trong thời gian qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với các tổ chức, tập đoàn công nghệ lớn về bán dẫn trên thế giới để hợp tác xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu thiết kế chip bán dẫn tại Việt Nam.
Trung tâm đào tạo thiết kế chip tại NIC Hoà Lạc được hình thành với sự kết hợp giữa các đối tác công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Synopsys, Đại học Arizona, Keysight cùng với Sun Edu - doanh nghiệp được hình thành bởi các chuyên gia đầu ngành người Việt có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn tại Silicon Valley, và các đối tác trong nước VNPT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Quản lý Khu CNC HCM (SHTP) ...
Theo ông Hiển, tiềm năng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn là một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng, chủ yếu của Việt Nam. Trong mô hình thí điểm mà NIC hỗ trợ khu Công Nghệ Cao HCM triển khai thí điểm Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC) khánh thành vào tháng 9/2023, tập trung vào 2 lĩnh vực điện tử và vi mạch.
Về lĩnh vực điện tử, Trung tâm ESC đã thí điểm triển khai các hoạt động đào tạo, chuẩn hóa nhà máy giới thiệu tiếp cận khách Quốc tế cho Công ty Điện Quang, một nhà đầu tư trong nước tại Khu Công nghệ cao TP HCM và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Lĩnh vực vi mạch, đến nay, ESC đã cung cấp các dịch vụ như: Cung cấp lisence các phần mềm thiết kế của Synopsys cho các trường trong hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tổ chức các khóa đào tạo (ToT) về thiết kế vi mạch cho hơn 20 giảng viên đến từ gần 10 trường đại học khác nhau (kéo dài 6 tuần, học toàn thời gian), bế giảng vào ngày 10/2/2023;
Phối hợp Synopsys tổ chức thí điểm khóa đào tạo thiết kế vi mạch đầu tiên cho đối tượng là sinh viên các trường đại học (quy mô 30 sinh viên, thời gian đào tạo 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8/2023); Phối hợp với công ty AD Technology & SNST Việt Nam tổ chức thí điểm khóa đào tạo thiết kế vi mạch theo nhu cầu của doanh nghiệp, học viên là sinh viên ưu tú từ các trường Đại học, sau khi tốt nghiệp khóa học sẽ được đánh giá và nhận vào làm kỹ sư vi mạch chính thức tại AD Technology & SNST Việt Nam.
Trước đó, ngày 25/10/2023, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với vai trò dẫn dắt của Quốc gia về đổi mới sáng tạo đã cùng với Công ty Sun Edu và các đối tác Quốc tế đã khai giảng Khóa đào tạo thiết kế vi mạch đầu tiên tại Trung tâm thiết kế vi mạch của NIC Hòa Lạc.
Dự kiến phấn đấu đến năm 2030, các trung tâm vi mạch bán dẫn dưới sự hỗ trợ của NIC và các đối tác, góp phần giúp Việt nam đạt số lượng 50 - 100.000 kỹ sư về thiết kế vi mạch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn NIC Hòa Lạc hướng tới hoạt động đào tạo nâng cao, ngắn hạn 3 - 6 tháng cho các kỹ sư đã đi làm. Chương trình đào tạo là sự kết hợp của chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và các giáo sư thỉnh giảng từ Đại học Arizona, kết hợp các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam từ Đại học Quốc gia Hà Nội. Đối với đào tạo chính quy, trung tâm sẽ tập hợp tài nguyên, chia sẻ truy cập vào sử dụng hệ thống phần mềm đào tạo của Synopsys, tập đoàn số 1 thế giới về công cụ thiết kế vi mạch EDA cho các trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam.
Các dự án thiết kế vi mạch xuất sắc sẽ được NIC hỗ trợ ươm tạo thành các startup về bán dẫn, mẫu thiết kế sẽ được gửi đi để sản xuất tại các nhà máy sản xuất bán dẫn. Sau khi sản xuất thì vi mạch sẽ được đo kiểm bằng thiết bị đo kiểm của Keysight, tập đoàn số 1 thế giới về thiết bị đo lường bán dẫn.