Thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thị trường lao động tại TPHCM nhộn nhịp trở lại. Do nhu cầu của doanh nghiệp (DN) tăng cao, các đơn hàng sản xuất, kinh doanh tập trung phục vụ Tết, kéo theo nguồn “cầu” tuyển dụng lao động tăng đột biến.
Cuộc đua tuyển thời vụ
Là DN vận tải hành khách, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hùng Công Tâm cho biết, do nhu cầu khách hàng đặt tour/tuyến tăng đột biến về các tỉnh Tây Nguyên, công ty có nhu cầu tuyền nhiều tài xế và phụ xe làm việc thời vụ, với mức thu nhập hấp dẫn. Đăng thông tin tuyển dụng từ đầu tháng 12, kể cả “nhờ vả” các nhà xe để tìm tài xế, nhưng vẫn chưa đủ cho nhu cầu của công ty. “Không phải vấn đề về lương, phụ cấp, mà việc tuyển tài xế chạy đường dài thời điểm cuối năm, cận Tết rất khó khăn. Hầu hết anh em đều đã có nơi, có chỗ làm việc, nhu cầu tăng ca thời vụ hầu như rất ít” - ông Tâm nói.
Ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm do Sở LĐTBXH TPHCM quản lý, số lượng DN tham gia vào thị trường tuyển dụng lao động thời vụ hết sức đông đảo. Một số DN thông tin tuyển dụng các vị trí với mức lương rất cao như: Trưởng phòng kinh doanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng (trung bình từ 55 - 60 triệu đồng/tháng); Nhân viên marketing (25 - 30 triệu đồng/tháng); Quản lý bán hàng/Nhà hàng (15 - 20 triệu); Quản lý xưởng (35 - 40 triệu đồng/tháng)... Nhưng việc tuyển được nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc thời vụ cuối năm của các đơn vị vẫn không hề dễ dàng.
Là công nhân công ty giày da ChangShin, vừa nộp hồ sơ ứng tuyển công việc thời vụ tại Công ty may mặc Q.V làm thêm vào dịp Tết, chị Chu Minh Thùy (38 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, chị đã kí hợp đồng 2 tháng với công ty này, thời gian làm việc 2 tháng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ cho các showroom của công ty. Chị Thùy cho biết, do có kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn, kế hoạch ngân sách cho từng năm và đo lường và đánh giá hiệu quả tài chính, nên chị đã được tuyển dụng ngay.
“Dù vậy, công việc thời vụ chỉ kéo dài vài tháng Tết và tôi vẫn sẽ phải trở lại công việc tại Công ty Changshin sau khi kết thúc giao khoán thời vụ. Đây là cách để tôi tăng thêm thu nhập và chi tiêu dịp Tết của gia đình hàng năm” - chị Thùy cho hay.
Cảnh giác lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”
Bà Lương Thị Tới - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cảnh báo, DN và cả người tìm việc thời vụ cần đặc biệt cảnh giác tình trạng lợi dụng nhu cầu việc làm dịp Tết tăng cao để lừa đảo. Bởi thông tin tuyển dụng việc làm cuối năm của các DN tăng cao sẽ đi kèm cơ hội để các đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng tin của người có nhu cầu tìm việc làm.
Để hạn chế các nạn nhân của tình trạng lừa đảo lao động, việc làm, Sở LĐTBXH TPHCM đã có văn bản gửi các quận, huyện và TP Thủ Đức, các cơ sở đào tạo, trung tâm giới thiệu việc làm thông tin về các vấn đề cần chú ý, cảnh giác. Đồng thời, đề nghị các đơn vị này tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin đến người dân, nhất là sinh viên, học sinh có nhu cầu tìm việc thời vụ vào dịp cuối năm, cận Tết. Trong đó, cần cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo, đánh vào tâm lý muốn tìm việc nhanh, thu nhập cao, không yêu cầu điều kiện tuyển dụng, việc nhẹ; đồng thời, cung cấp danh sách các đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm để người lao động chủ động đối chiếu.
Trong cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở LĐTBXH TPHCM cũng đề nghị Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các chiêu thức quảng cáo trên mạng xã hội không đúng sự thật liên quan đến tư vấn, giới thiệu việc làm. Đối với người có nhu cầu tìm việc làm trong dịp Tết cũng được Sở yêu cầu, tìm hiểu, liên hệ trực tiếp các Trung tâm hoạt động dịch vụ việc làm do Sở quản lý; các DN có thương hiệu, được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm để tìm kiếm thông tin tuyển dụng và lựa chọn được công việc thời vụ phù hợp trong dịp Tết.
Cũng theo bà Tới, trên địa bàn TPHCM hiện có 2 Trung tâm dịch vụ việc làm và 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp có bổ sung chức năng hoạt động dịch vụ việc làm và 141 DN được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm. Danh sách các đơn vị này được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở LĐTBXH TPHCM để người lao động tra cứu và tìm kiếm thông tin.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu nhân lực của thành phố cả năm 2025 sẽ cần từ 310.000 - 330.000 lao động. Riêng quý I/2025, thành phố cần khoảng 79.000 - 84.000 tại chỗ, trong đó tập trung phần lớn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cho thị trường Tết Nguyên đán và nhu cầu sản xuất, kinh doanh đầu năm mới.
Cũng theo dự báo, cơ cấu nhu cầu nhân lực, việc làm tại TPHCM sẽ tập trung cao nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ, vốn chiếm 67,7% tổng nhu cầu. Tiếp đến là các khu vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 31,8%) và thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với chỉ 0,5% nhu cầu.