Ngày 13/3, phát biểu tại Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết trong nội hàm “8 chữ G”.
Đó là Giao thông; Giáo dục; “Giang” - tức là sông; “Gắn” - tức là gắn kết; “Giàu”- nghĩa là phải thu hút người giàu, khá giả, những doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư cho vùng; “Giỏi” - nghĩa là phải thu hút nhân tài, trí thức, chuyên gia đến làm việc, cộng tác; “Già” - có nghĩa là phải giải quyết tình trạng già hóa dân số với tỉ lệ cao nhất nước; “Giới” - nghĩa là phải thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ.
Trong “8 chữ G” mang tính chiến lược đó, Thủ tướng lưu ý, ĐBSCL là vùng sông nước, kinh tế và sinh kế người dân nơi đây đều gắn liền với sông. Chiến lược phát triển cần tận dụng lợi thế, phát huy vai trò của sông để phát triển nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, du lịch.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông nước”, đây là vấn đề lớn, là lợi thế của ĐBSCL, đặc biệt là đối với quá trình phát triển lâu dài, bền vững.
Ý kiến của Thủ tướng vừa là gợi mở, vừa là chỉ đạo đã nhận được sự đồng tình, phấn khởi của nhiều người, nhất là giới chuyên gia kinh tế.
ĐBSCL là vựa lúa của cả nước cũng bởi đây là vùng đất trù phú, do hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt mà thành. Sông Mekong là một trong những con sông dài nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua 4 nước Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia, trước khi chảy vào Việt Nam (hệ thống sông Cửu Long) rồi đổ ra biển Đông theo 9 cửa sông, như 9 con rồng vươn mình ra biển cả.
Sông Mekong chảy vào Việt Nam chia làm 2 sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền bắt đầu chảy vào Việt Nam từ thị xã Tân Châu (An Giang) và huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Tới đoạn Cù lao An Bình, Vĩnh Long thì chia làm 2 nhánh là sông Tiền và sông Cổ Chiên. Dòng sông tiếp tục chia đôi hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thành 4 nhánh sông nhỏ hơn là sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Ba Lai và sông Hàm Luông. Sông Cổ Chiên chảy qua hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Còn sông Hậu chảy vào Việt Nam từ thị trấn Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang). Sau đó sông chảy qua nhiều loạt tỉnh, để rồi đổ ra biển tại khu vực Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng).
Với ĐBSCL, hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang bao đời nay đã đem nước ngọt và phù sa bồi đắp tạo nên vùng châu thổ vô cùng trù phú.
Trong cuốn “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, đã dành nhiều trang viết về hai con sông lớn ấy. Với sông Tiền, tác giả viết: “Thế nước ôm quanh cồn nọ, dựa theo bến kia, chảy vào ngòi này, chia ra nhánh khác, nhiều dòng xuyên qua Hậu Giang, ngó xuống trước trấn Vĩnh Thanh như là một biển sao lấm chấm(…). Dân gia trước vườn sau ruộng đều có sản nghiệp làm ăn quanh năm, quả là một nơi phú túc”. Còn sông Hậu thì “dầm thấm cả ruộng vườn các nơi, bao hàm cả cồn bãi bờ bến, làm nguồn thủy lợi rất lớn, lúa gạo cá tôm dùng ăn không hết”.
Đến nay, do nhiều yếu tố khách quan cùng với sự phát triển xã hội, các dòng sông, kênh rạch ở ĐBSCL cũng thay đổi. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, hết sức thuận lợi cho việc phát triển kinh tế sông nước. Và cũng chính những người dân vùng sông nước ĐBSCL, hậu duệ của những bậc tiền nhân thuở nào “mang gươm đi mở cõi” đã gây dựng nên một không gian văn hóa rất đặc trưng, rất độc đáo cho đất nước.
Nhưng cũng thật đáng tiếc, những năm qua, lợi thế ấy đã không được nhìn nhận, không được phát huy đúng mức. Những người nông dân sống dọc theo những con sông, kênh rạch đã không nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng. Đã vậy, trong nhiều trường hợp họ lại trở thành người nghèo, trở thành nhóm cư dân dễ bị tổn thương. Nông dân trong vùng vẫn phải ly nông, ly hương. Thuyền bè không còn tấp nập trên những dòng sông. Những vạt điên điển cũng ít nở vàng vì mùa nước nổi không còn nhộn nhịp như xưa.
Đã vậy, không ít đoạn sông bị “cát tặc” tấn công, khiến nước sông đổi dòng, lúc xoáy vào bờ nọ khi xoáy vào bờ kia, gây nên sự sạt lở cực nguy hại. “Hà Bá” nổi giận, nuốt cả nhà dân vào lòng sông.
Cũng chính vì thế mà rất cần có sự nhận thức đầy đủ về sông ngòi, kênh rạch ở ĐBSCL, cả về lợi thế cũng như thách thức, từ đó tìm ra giải pháp đúng đắn nhất để phát triển kinh tế sông nước. Không khu vực nào trên đất nước ta có lợi thế sông nước như ĐBSCL, chẳng lẽ lại để phí hoài? Đó không chỉ là kết nối giao thông giữa các tỉnh thành trong khu vực, rồi mở ra ở các cửa biển; mà còn là giao thương kinh tế trên sông; khai thác và nuôi trồng thủy sản; phát triển du lịch… Để từ đó người dân giàu lên, quê hương giàu lên, các đô thị cũng sẽ mọc lên dọc theo những dòng sông.
Nếu như ĐBSCL trước nay là vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá của đất nước; thì từ trong sâu xa vẫn bắt nguồn từ lợi thế của một vùng châu thổ rộng lớn với hệ thống sông ngòi, kênh rạch không nơi nào có được. Lợi thế ấy càng phải được nhìn nhận sâu hơn, để từ đó hình thành nền kinh tế sông nước thực sự cho vùng đất lừng lẫy “9 rồng”.