Tình hình trên bán đảo Triều Tiên gia tăng cực độ trong hôm 9-8 khi Mỹ và Triều Tiên có cuộc khẩu chiến gay gắt, trong đó Bình Nhưỡng dọa sẽ đánh phủ đầu vào đảo Guam, phần lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương, trong khi Washington cảnh báo reo rắc "lửa và thịnh nộ".
Hai bên đưa ra những lời cảnh báo lạnh gáy trong hôm 9/8. (Nguồn: Bild).
Đe dọa lẫn nhau
Lời khiêu khích nặng nề của Bình Nhưỡng tiếp nối một cảnh báo lạnh gáy mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra, trong đó nói rằng họ sẽ cho Triều Tiên nếm "lửa và thịnh nộ" nếu nước này tiếp tục đe dọa Mỹ.
Lời cảnh báo của ông Trump xuất hiện sau khi Bình Nhưỡng nói sẽ "khiến Mỹ trả giá đắt" vì đóng vai trò lớn trong việc LHQ thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm vào họ.
Tuy cả hai bên trao qua đổi lại những lời đe dọa đáng sợ, nhưng giới phân tích cho rằng những lời đe dọa không thể thay đổi đánh giá về khả năng quân sự của Bình Nhưỡng hay khả năng tấn công phủ đầu của Mỹ.
Trong khi giới phân tích tình báo Mỹ nói rằng Bình Nhưỡng đã chế tạo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, nhưng nó vẫn chưa được thử nghiệm.
Mối đe dọa đến từ chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã trở thành ưu tiên chính sách hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump kể từ khi ông nhậm chức, nhưng sự nguy hiểm thực sự mà nước này gây ra lại bắt đầu kể từ sau 2 vụ thử nghiệm tên lửa liên lục địa (ICBM) hồi tháng trước.
Giới chuyên gia nói rằng các tên lửa trên, được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, trên lý thuyết có thể với tới lãnh thổ Mỹ, dựa trên tầm bắn của chúng trong 2 vụ thử nghiệm mới đây.
Đảo Guam, nơi có nhiều cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ, từ lâu đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Những lời đe dọa của Bình Nhưỡng đối với đảo Guam xuất hiện sau khi Tổng thống Trump tuyên bố cho Bình Nhưỡng nếm "lửa và thịnh nộ", tuy nhiên tuyên bố của phía Triều Tiên lại ghi ngày 8/8, cho thấy nó đã được soạn thảo từ trước. Một tuyên bố khác được đưa ra ngay sau tuyên bố đầu tiên.
"Chúng tôi không che giấu rằng chúng tôi đã sẵn sàng đòn tấn công hạt nhân chiến lược đa dạng, đặt nước Mỹ trong tầm bắn" - Tuyên bố dài 1.700 từ mà Bình Nhưỡng đưa ra nêu rõ.
Tuyên bố này kết thúc bằng một lời đe dọa thường thấy: "Nếu Mỹ lựa chọn hành động quân sự, bất chấp lời cảnh báo từ lực lượng vũ trang của chúng tôi, kết cục sẽ là sự sụp đổ thảm hại của đế chế Mỹ".
Đấu khẩu căng thẳng
Chính quyền Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ đưa ra hướng tiếp cận đa chiều để ngăn chặn chương trình vũ khí của Triều Tiên, dù vẫn ưu tiên biện pháp "gây sức ép hòa bình" với hy vọng rằng nước này sẽ trở lại bàn đàm phán vào mổ thời điểm nào đó.
"Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục người Triều Tiên rằng chúng tôi không phải kẻ thù của họ, chúng tôi không phải mối đe dọa của họ, nhưng họ vẫn đang là một mối đe dọa không thể chấp nhận đối với chúng tôi và chúng tôi buộc phải đáp trả" - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói trong tuần trước.
Trong lúc ông Tillerson duy trì khả năng mở ra đối thoại với Triều Tiên, thì quân đội Mỹ lại phô trương sức mạnh bằng cách tổ chức cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Hàn Quốc, triển khai nhiều máy bay ném bom tàng hình bay qua vùng trời Triều Tiên trong hôm 8-8 vừa qua.
Các chuyến bay trên đã được phía Triều Tiên đặc biệt lưu ý và khiến nước này phản ứng bằng lời đe dọa chiến tranh hạt nhân trong tuyên bố đưa ra hôm 9/8.
Giới quan sát trong khi đó tỏ ra hết sức quan ngại về những thông điệp mâu thuẫn mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra, trong đó gồm bình luận về "lửa và thịnh nộ" của Tổng thống Trump, và các động thái gây căng thẳng của quân đội Mỹ mới đây... những hành động có thể làm hỏng chiến lược của Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
Giới quan sát cũng cho rằng khả năng xảy ra một cuộc chiến giữa Mỹ và Triều Tiên là rất thấp, bởi 2 lý do. Thứ nhất là cả hai bên đều biết về hậu quả của cuộc chiến này sẽ tàn khốc như thế nào, và thứ hai là chính quyền Bình Nhưỡng hiện nay cũng đặt sự sống còn lên hàng đầu.
Việc đáng nói ở đây là luận điệu đầy khiêu khích phát ra từ chính quyền Mỹ đưa ra có thể làm tổn hại chính nước Mỹ bởi nó đã thêm phần bất ổn vào một tình huống vốn đã đầy căng thẳng.