Ngày 20/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổng kết công tác Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Trong năm 2023, bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, MTTQ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã tập trung hướng dẫn các Ban TTND xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức triển khai thực hiện giám sát tập trung vào những vấn đề trọng tâm, theo từng nhóm nội dung. Đó là giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, việc thực hiện chế độ chính sách đối với gia đình có công, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố...
Theo đó, trong năm 2023, các Ban TTND đã tổ chức 4.673 cuộc giám sát, phát hiện 490 vụ việc vi phạm, kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền 488 vụ việc. Thông qua việc giám sát đã kiến nghị chính quyền thu hồi 249m2 đất, 13,5 triệu đồng. Ngoài ra, toàn thành phố có 13.661 thành viên Ban GSĐTCCĐ. Trong năm 2023, các Ban GSĐTCCĐ đã phát hiện 210 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý 208 vụ, qua đó đã giúp cho việc đầu tư phù hợp với quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố xác định căn cứ tình hình thực tiễn ở từng địa phương, cơ sở, chủ động xây dựng kế hoạch chương trình hoạt động, tập trung lựa chọn và cụ thể hóa bằng những nội dung giám sát cụ thể đảm bảo thiết thực, hiệu quả, gắn với trách nhiệm của từng thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động giám sát. Kịp thời phát hiện những biểu hiện vi phạm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đầu tư, xây dựng ở địa phương để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết. Những kết quả từ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Theo ông Nguyễn Sỹ Trường, để thực hiện hiệu quả các hoạt động giám sát, trong năm 2024, đối với MTTQ cấp huyện, cấp xã cần cập nhật những nội dung chỉ đạo mới, văn bản hướng dẫn Luật Dân chủ ở cơ sở; xây dựng kế hoạch theo năm với từng nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự hướng dẫn của MTTQ cấp trên cũng như sự phối hợp của các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội; cần kịp thời chuyển ý kiến, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng tới các cơ quan có thẩm quyền và đôn đốc, giám sát việc trả lời theo đúng quy định của pháp luật. Đối với Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nội dung hoạt động của mình, tránh nhầm lẫn, chồng chéo nội dung, công việc.
Mặt khác, các Ban cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân; kịp thời kiện toàn, lựa chọn các thành viên đảm bảo tiêu chuẩn, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để cùng tham gia phối hợp thực hiện... Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ giao ban, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phản ánh kịp thời cũng như thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo với MTTQ cấp trên.
Nhân dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã khen thưởng 60 tập thể, 90 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động giám sát cộng đồng.