Khen và chê là hai kỹ năng sống quan trọng và tồn tại mãi mãi. Em bé lên 3 cũng thích khen. Cụ già 80 tuổi cũng thích khen. Ít ai, hoặc không có ai thích bị chê. Có người không được ai khen bao giờ thì tự khen mình. Ít người có cái trình độ và cái can đảm để tự chê mình. Vì thế khen và chê có nhiều nội dung để trao đổi, để mạn đàm, để chia sẻ.
Theo Từ điển tiếng Việt, tại trang 44 thì: “Khen là: nói lên sự đánh giá tốt về ai, về cái gì, việc gì với ý vừa lòng. Thí dụ: khen em bé ngoan. Khen đẹp. Giấy khen. “Khen cho con mắt tinh đời” (Nguyễn Du). “Khen phò mã tốt áo” là khen một điều hiển nhiên mà ai cũng thừa biết rồi”.
Tại trang 136 thì: “Chê là: tỏ ra không thích, không vừa ý vì cho là kém, là xấu. Thí dụ: Chê áo không đẹp. Lợn chê cám (bỏ cám không ăn, vì ốm). “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo” (Tục ngữ Việt Nam). “Lươn ngắn lại chê chạch dài / Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm” (Ca dao).
Nữ hoàng Cathérine II của nước Nga (1729–1796) là một vị minh quân nên đã dạy bảo: “Khen ai thì nên nói to, còn chê ai thì nên nói nhỏ thôi” (I praise loudly, I blame softly). Đúng là một lời khuyên thật bao dung, độ lượng mà rất có kết quả. Lời dạy của bà có thể được áp dụng trong mọi trường hợp.
Thế còn khen và chê có mang giới tính đặc hiệu không? Một triết gia không rõ tên đã nói: “Khen một người đàn ông khôn ngoan nên khen sau lưng họ, nhưng khi khen một người đàn bà khôn ngoan phải biết khen trước mặt họ” (Praise the wise man behind his back, but a woman to her face). Có người bình phẩm rằng câu này chỉ đúng ở một tầng lớp dân chúng nào đó, hoặc chỉ đúng ở một xã hội nào đó. Đến nay cũng chưa thấy ai giải đáp vấn đề này cho thấu tình đạt lý.
Ông tác giả người Mỹ Wendel Philips (1811–1884) đã có nhận xét thật tài tình, thật chí lý rằng: “Ở đời có nhiều kẻ biết cách nịnh hót nhưng có ít người biết cách khen ngợi” (Many men know how to flatter, few men know how to praise). Tại sao lại thế? Rất dễ hiểu là vì đã là con người thì phần nhiều chưa gạt bỏ được thói xấu, tật hư là muốn nịnh hót, bợ đỡ để kiếm chút lợi cho bản thân mình. Cái hành vi này thật hèn và nhục! Trái lại, việc khen ngợi người khác, biết đề cao cái đẹp cái tốt của người khác là một việc rất khó. Có tác giả viết: “Chỉ có người tốt mới biết người khác tốt”, chính là muốn đề cập đến cái ý này. Hy vọng rằng xã hội sẽ ngày càng tiến bộ về cơ sở vật chất, về văn hóa xã hội và con người sẽ thay đổi được câu nói của Wendel Philips từ 200 năm trước, để sẽ có một khẩu hiệu mới tốt đẹp hơn, tích cực hơn, đó là: “Nhiều người biết cách khen ngợi và ít người có thói xấu nịnh hót”.
Phong trào tuyên dương các tấm gương “Người tốt việc tốt” cũng chính là cách giáo dục cộng đồng hướng tới cái khen tích cực, cái biểu dương tích cực và phê bình nghiêm khắc cái tiêu cực, cái xấu còn tồn tại trong đời sống xã hội.
Khi bàn về tiếng khen, lời chê, các tác giả từ cổ chí kim cũng đều nhìn thấu từ nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh, nhiều ẩn dụ. Xenophon là một triết gia cổ đại tầm cỡ người Hy Lạp (khoảng năm 427 trước Công nguyên) đã hiểu thấu rất rõ về con người khi ông viết: “Cái tiếng êm đềm nhất trong tất cả các thứ tiếng là tiếng khen” (The sweetest of all sounds is praise). Thế mới khổ, thế mới vất vả vì mấy ai dám chối bỏ tiếng khen. Có người chờ mãi không có ai khen mình thì tìm cách tự khen, tự quảng cáo, tự đánh bóng tên tuổi, tự lăng xê mình một cách lố bịch và tội nghiệp.
Thánh Clément thuộc đế quốc La Mã đã từng viết: “Thượng đế rất ghét những kẻ tự khen, tự khoe khoang” (God hates those who praise themselves). Ca dao Việt Nam cũng đã từng chế giễu: “Mèo khen mèo dài đuôi”, hoặc: “Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm” đối với những kẻ chê, khen không đúng, ít suy nghĩ trước khi nói. Còn người Scotland cổ khuyên nhủ tận tình: “Hãy để cho người khác khen mình, chớ bao giờ miệng mình lại tự khen mình” (Let another man praise you, and not by your own mouth).
Chao ôi, mới nói sơ sơ như thế đã thấy việc khen, chê cũng như một căn bệnh, cũng phải biết cách dự phòng, cũng phải cân nhắc trước khi mở miệng phát ngôn, nhất là ở nơi công cộng. Còn về phía những người nhận tiếng khen, nhận lời chê thì sao? Có nên nhanh chóng phản ứng lại ngay không? Có nên bày tỏ thái độ ngay không? Xin chớ vội, cứ từ từ. Một triết gia bậc thầy phương Đông đã dạy: “Khi ta nghe thấy lời chê, chớ vội giận. Khi ta nghe thấy tiếng khen, chớ vội mừng” (Văn băng nhi nộ giả, kiến dự nhi hỉ giả). Đúng như thế, chớ vội mừng, chớ vội lo, cứ bình tĩnh mà xét đoán, bình tĩnh mà đón nhận với tư thế tâm bình an, để biết cách coi là bình thường trước mọi lời khen tiếng chê, trước mọi tin xấu, tin vui ở đời. Ai tập được cái kỹ năng “Tâm bình an” này sẽ tránh được bệnh tật và sống một cuộc đời an nhiên tự tại. Khi phỏng vấn các cụ già sống trên 100 tuổi ở thành phố Osaka – Nhật Bản, người ta rất ngạc nhiên là các cụ không hề biết ở trên đời lại có những người thích khen ngợi, thích được tung hô đến nỗi phải ghen tức, nói xấu nhau, uất quá mà sinh bệnh tật. Có cụ phát biểu: “Người ta khen, người ta chê là việc của họ. Ta cứ sống lương thiện, làm tốt mọi việc thì cần gì đến việc khen, chê mà bận lòng”. Lại hỏi: “Thế nào là sống lương thiện?”. Các cụ trường thọ Nhật Bản trả lời: “Lương thiện là có thì nói là có, không thì nói là không”. Câu trả lời thật là dễ hiểu, nhưng cũng thật khó làm.
Mổ sẻ thêm vấn đề khen, chê, thiên tài triết học Pháp La Rochefoucauld (1613–1680) có 3 nhận xét hết sức sắc sảo:
1/ Theo thói thông thường, người ta khen ai là muốn được người ta khen lại có lợi cho mình. Đây chính là lẽ sống của bọn nịnh hót, xu thời, a dua. Còn người chính trực, lương thiện họ rất kiệm lời khen, chỉ bày tỏ lòng biết ơn hoặc cảm ơn trước những việc tốt của người khác. Ông viết: “Thói thường người ta ca ngợi là cốt để được ca ngợi lại” (On ne loue d'ordinaire que pour être loué). Sẽ là tai hại, là rất nguy hiểm cho những người có tính nịnh hót khi bị người ta phát hiện ra cái mục đích xấu xa ấy. Mà cái việc ấy thì có khó gì đâu mà không phát hiện ra được. Tốt nhất là nên cân nhắc trước khi ca ngợi, trước khi rối rít khen tụng bất kỳ ai.
2/ Trong việc xã giao phức tạp của xã hội văn minh, có khi khen lại thành chê, chê lại thành khen. Chỉ có người trong cuộc mới biết được, chỉ có người “trong chăn mới biết chăn có rận”. La Rochefoucauld viết: “Có những điều chê lại thành khen và có những điều khen lại hóa ra chê bai” (Il y a des reproches qui louent et des louanges qui médisent). Thật quá tài tình. Trong xã hội đời thường đã có bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt với những sự khen chê mê hồn trận này. Mà đã vào trận mê hồn thì mấy ai còn tỉnh táo mà phân biệt được đâu là khen và đâu là chê. Thế mới biết, sống ở đời, ý ăn ý ở mới là cái đáng phải để ý, đáng phải chú tâm. Chả thế mà dân gian ta có câu: “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết là người có tâm” là rất đúng, rất chính xác. Chứ còn cứ nghe tiếng đồn thổi, khen, chê bên ngoài ắt có lúc hối hận.
3/ Trong cái xã hội ngày càng có nhiều người khôn ngoan, tinh ranh thì có khi sự từ chối lại là thèm muốn, khi bảo người ta đừng khen lại tức là mong cho người ta khen. Thật là rối tinh, rối mù. La Rochefoucauld viết: “Sự từ chối những lời khen tụng có khi lại là sự mong muốn được khen tụng gấp bội” (Le refus des louanges est un désir d'être loué deux fois). Thật là rắc rối, bảo không ăn lại chính là muốn ăn thì đến là ai đi chăng nữa cũng phải chịu, huống chi là những người bình thường. Người dân ở nông thôn miền Nam có câu rất hay là: “Nói vậy mà không phải vậy” cũng chính là cái ý đó.
Xin chúc cho chúng ta nhận biết được chính xác những lời khen, chê của người khác đối với mình và khi ta khen hoặc chê ai cũng rất nên thận trọng.