Hôm nay, 11/10, Giải Nobel cuối cùng trong 6 giải là Nobel Kinh tế sẽ được trao. Một mùa Nobel với nhiều cảm xúc khi đại dịch vẫn tiếp tục gây họa và nhiều quốc gia đã quyết định “sống chung” với Covid-19.
Cả vaccine lẫn WHO đều không được vinh danh
Trong số những giải Nobel năm nay, người ta chú ý nhiều đến giải về Kinh tế và Y tế vì nó gắn liền với câu chuyện rất thời sự là đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, riêng với lĩnh vực Y tế, những thành tựu nghiên cứu được công nhận buộc phải được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, với đòi hỏi “độ lùi” cần thiết của thời gian. Vì thế, Giáo sư Sarah Gilbert (Viện Jenner thuộc Đại học Oxford, Anh), người có công rất lớn trong việc nghiên cứu, điều chế vaccine AstraZeneca chống lại Covid-19, cho dù được rất nhiều kỳ vọng và nhiều đề cử thì cũng đã không có vinh dự được nhận Giải Nobel Y học 2021.
Thay vào đó, Nobel Y học 2021 đã vinh danh hai nhà khoa học người Mỹ David Julius (65 tuổi) và Ardem Patapoutian (53 tuổi) vì “những phát hiện mang tính đột phá” liên quan đến cơ chế cảm nhận nhiệt độ và áp suất thông qua xung thần kinh. Theo Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska (Thụy Điển), công trình của hai nhà khoa học đã đặt nền móng cho các nghiên cứu sâu rộng, giúp con người gia tăng hiểu biết một cách nhanh chóng về cơ chế cảm nhận nóng, lạnh cũng như các kích thích cơ học. Những phát hiện đó đang được sử dụng để phát triển phương pháp điều trị cho hàng loạt tình trạng bệnh, trong đó có đau mãn tính.
Trước đó, cùng với Giáo sư Sarah, thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được coi là “đối thủ nặng ký” của Nobel Y tế năm nay, nhưng cũng đã không được vinh danh.
Nobel Kinh tế “trong vòng bí mật”
Về giải Nobel Kinh tế 2021, dư luận cũng đặc biệt quan tâm do thế giới đang phải đương đầu với sự sụt giảm từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Hôm nay, 11/10, Giải sẽ được trao. Nó được cho là “nằm trong vòng bí mật hoàn toàn”, bất chấp các đồn đoán.
Vào “mùa” Nobel năm ngoái, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã vinh danh cho Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson “vì những cải tiến đối với lý thuyết đấu giá và phát minh ra các hình thức đấu giá mới”. Nhìn chung giải này có vẻ xa lạ với nhiều người, nhưng Hội đồng xét duyệt lại cho rằng “khám phá của họ đã mang lại lợi ích cho người bán, người mua và người nộp thuế trên khắp thế giới”.
Giải Nobel Kinh tế 2020 được trao trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được áp dụng trên toàn cầu do Covid-19, dẫn đến các hoạt động kinh doanh bị sụt giảm nghiêm trọng. Vậy nên, việc vinh danh cống hiến của nó hầu như không liên quan đến đại dịch. Kể từ khi giải Nobel Kinh tế được thành lập vào năm 1969, nó đã được trao 51 lần. Vậy, Nobel Kinh tế 2021 ra vinh danh giải pháp nào trong bối cảnh “hậu Covid”?
2 nhà báo được vinh danh
Năm nay, Nobel Hòa bình 2021 đã trao cho 2 nhà báo Maria Ressa (Philuppines) và Dmitry Muratov (Nga) “vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận, điều kiện cho hòa bình lâu dài” - theo Ủy ban Nobel. Bà Ressa - vào năm 2012 là người đồng sáng lập Rappler, một hãng truyền thông kỹ thuật số dành cho lĩnh vực báo chí điều tra ở Philippines. Là một nhà báo và là giám đốc điều hành của Rappler, Ressa thể hiện quan điểm với các vấn đề như chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Duterte, hay sự lan truyền tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Còn Dmitry Andreyevich Muratov, năm 1993, ông sáng lập tờ Novaja Gazeta và giữ chức vụ Tổng Biên tập của tờ báo từ 1995. Novaja Gazeta đã xuất bản các bài báo về các vấn đề từ tham nhũng, bạo lực trong cảnh sát, bắt giữ trái pháp luật đến gian lận bầu cử. Kể từ khi được thành lập ít nhất 6 nhà báo của Novaja Gazeta thiệt mạng khi đang tác nghiệp.
Kể từ năm1901 tới nay, 101 giải Nobel Hòa bình đã được trao. Người đoạt giải Nobel Hòa bình trẻ nhất là Malala Yousafzai (người Pakistan), được trao giải năm 2014 khi mới 17 tuổi. Người đoạt giải lớn tuổi nhất cho đến nay là Giáo sư John B. Goodenough, 97 tuổi (người Mỹ), được trao giải vào năm 2019. Trong 107 cá nhân được trao giải Nobel Hòa bình, 17 người là phụ nữ.
Người được Nobel Văn học không hẳn sách đã bán chạy
Một giải Nobel khác được trao năm nay cũng gây chú ý, khi vinh danh tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah (sinh năm 1948, người Tanzania, sinh sống tại Anh), nhờ “sự thâm nhập không nhân nhượng và đầy lòng trắc ẩn đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa” - công bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển hôm 7/10. Cho tới nay, Gurnah đã xuất bản 10 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn với chủ đề xuyên suốt về người tị nạn.
Trước những tranh cãi, Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel, nói với tạp chí The New Republic của Mỹ rằng “giá trị văn học vẫn là tiêu chí tuyệt đối và duy nhất”.
Nhìn lại lịch sử, Nobel Văn học thường được trao cho các nhà văn phương Tây, nhất là châu Âu và là nam giới. Nhưng không phải tất cả đều là những người thật nổi tiếng, cũng không phải là tác giả của những cuốn sách thuộc diện bán chạy nhất “best seller”. Theo AFP, trong số 117 người từng đoạt giải Nobel Văn học, có 95 nhà văn (tương đương hơn 80%) là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Riêng nước Pháp giành được 13%. Chỉ có 16 nhà văn nữ đoạt giải so với con số 101 Nobel Văn học “rơi vào tay” nam giới.
Về việc này, nhìn chung tất cả các giải Nobel đã trao từ trước tới nay, theo Giáo sư Winston Morgan (nhà nghiên cứu về chất độc tại Trường Đại học Đông London, Anh) thì “về khoảng cách giữa dân số thế giới và những người chiến thắng, khoảng cách lớn nhất chính là giới tính. Số lượng ứng viên nữ đoạt giải thực sự rất ít”.
“Mùa” Nobel năm nay, Giải Nobel Y học đã công bố vào thứ Hai ngày 4/10. Giải Vật lý công bố vào thứ Ba ngày 5/10. Giải Hóa học công bố vào thứ Tư ngày 6/10. Giải Văn học công bố vào thứ Năm ngày 7/10. Giải Hòa bình công bố vào thứ Sáu ngày 8/10. Giải Kinh tế sẽ được công bố vào thứ Hai, ngày 11/10. Sáu giải Nobel được trao hàng năm, mỗi giải công nhận đóng góp đột phá của một cá nhân hoặc tổ chức trong một lĩnh vực cụ thể.