Văn hóa

Khi âm nhạc cổ điển “phá rào”

Minh Quân 19/06/2024 09:22

Vốn được xem là kén khán giả, nhưng bằng những cách tiếp cận mới, các chương trình âm nhạc châu Âu cổ điển đang dần lan tỏa, đến gần hơn với công chúng.

anh1.jpeg
Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tiến.

Gỡ bỏ những rào cản

Dù có bề dày lịch sử hơn 90 năm, nhưng khi nhắc đến thính phòng, giao hưởng, opera… lại luôn “mặc định” chỉ phục vụ cho một bộ phận khán giả.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, dòng âm nhạc này chiếm thị phần không nhiều so với các dòng nhạc khác. Nguyên nhân một phần là do trong đời sống âm nhạc hiện nay, bên cạnh nhu cầu thưởng thức dòng âm nhạc chính thống, một bộ phận công chúng chỉ chú ý vào các ca khúc thị trường. Nhiều người trẻ quên đi hoặc không biết tới dòng âm nhạc chính thống, kinh điển hàn lâm và dòng âm nhạc dân gian, cổ truyền.

Tuy nhiên, nhằm gỡ bỏ ranh giới với công chúng, thời gian qua âm nhạc cổ điển châu Âu đang được nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn, nhà hát “làm mới” nhằm tiếp cận mọi tầng lớp khán giả. Mới đây, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã giới thiệu đến công chúng chương trình “Đêm nhạc các tác giả Việt Nam”, điểm nhấn là các tác phẩm biểu diễn đều là của các tác giả Việt Nam. Bằng ngôn ngữ giao hưởng, các ca khúc thân thuộc với công chúng đã mang đến cho khán giả cảm giác vừa lạ lại vừa quen.

Có thể kể đến tác phẩm “Rhapsody Việt Nam” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc Việt Nam. Hay tác phẩm “Lập xuân” của nhạc sĩ Phó Đức Hoàng và bản violin concerto của tác giả PQ Phan; bản aria “Đàn bầu” được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn từ một khúc ca trong vở opera “Công nữ Anio”; bản piano concerto “Bất khuất” của nhạc sĩ Đỗ Dũng…

Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Trịnh Tùng Linh cho biết, mùa diễn năm 2024 - 2025 của nhà hát gồm những chương trình hòa nhạc đặt vé trước, chương trình hòa nhạc đặc biệt, nhằm đưa âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với khán giả Việt và tạo thói quen thưởng thức loại hình nghệ thuật bác học này cho công chúng.

Không chỉ tiếp cận khán giả bằng ngôn ngữ rất Việt Nam, thời gian qua nhiều chương trình của các dàn nhạc, nghệ sĩ trong nước và quốc tế ra mắt tác phẩm cũng như các hoạt động cộng đồng về âm nhạc cổ điển… đã mang tới không gian âm nhạc đa dạng, phong phú.

Điển hình như mới đây, trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Steve Barakatt đã có buổi biểu diễn ấn tượng trong không gian di sản tại vườn Thiệu Phương, Đại Nội Huế. Tại không gian đặc biệt này, nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả những cảm xúc khó quên với những tác phẩm nổi tiếng.

Trước đó, tháng 3/2024, Lễ hội âm nhạc cổ điển cũng đã tổ chức tại Đà Lạt với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Với 17 buổi biểu diễn, lễ hội đã thu hút được gần 30.000 khán giả đến thưởng thức.

Nhiều người yêu nhạc cổ điển hẳn còn nhớ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khốc liệt trên thế giới cũng như ở Việt Nam, với mong muốn mang đến cho người dân đang giãn cách tại nhà cơ hội thưởng thức các chương trình nghệ thuật, nhiều chương trình biểu diễn dưới hình thức trực tuyến đã xuất hiện và được nhiều người yêu thích như Chương trình hòa nhạc marathon trực tuyến “Hồi sinh”, nhạc kịch “Chuyện người lính” (Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam cùng Xưởng kịch và nghệ thuật ATH thực hiện)…

anh2.jpg
Chương trình hòa nhạc của nghệ sĩ Steve Barakatt tại vườn Thiệu Phương, Đại Nội Huế. Ảnh: Hoàng Lê.

Những con đường đến với khán giả

Để âm nhạc cổ điển đến với đông đảo khán giả có nhiều con đường khác nhau. Đối với cộng đồng, để xóa đi những rào cản tâm lý, khoảng cách trong trình độ hưởng thụ nghệ thuật, rất cần có thêm nhiều những chương trình âm nhạc cổ điển với những hình thức sáng tạo, hấp dẫn, thân thiện với mọi đối tượng khán, thính giả. Cho dù không dễ tiếp cận như nghệ thuật khác, nhưng chính cơ hội được thưởng thức các vở nhạc kịch, hòa nhạc giao hưởng sẽ gợi mở sự quan tâm tìm hiểu của nhiều người, nhất là giới trẻ.

NSND Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam bày tỏ, ở nhiều nước trên thế giới, một dàn nhạc giao hưởng càng nổi tiếng thì càng có nhiều sự hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần từ Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, người yêu âm nhạc… Nhưng tại Việt Nam, nhiều chương trình giao hưởng bán vé 5-10 triệu đồng. Người ta nghĩ rằng bán vé đắt là sang, hoặc để chứng minh đẳng cấp. Việc đó chưa hẳn đúng. Nếu xem bảng giá của những nhà hát, dàn nhạc giao hưởng Top 5, Top 10 thế giới, người ta có thể thưởng thức hòa nhạc với giá thấp hơn Việt Nam. Dàn nhạc không cần bán giá cao để chứng tỏ đẳng cấp. Bởi đẳng cấp không phải quyết định chỉ bởi giá tiền.

NSND Bùi Công Duy cũng bày tỏ, ở bất cứ dàn nhạc chuyên nghiệp thế giới nào, ta có thể nhìn rõ, khoảng 70-75% chương trình thuần túy cổ điển, còn lại dành cho các concert hướng tới đại chúng hóa. Tuy nhiên, đại chúng hóa cũng phải có tổ chức. Việt Nam đang dừng ở ngưỡng đại chúng hóa. Tuy nhiên như vậy khá tốt, giúp xóa đi rào cản tâm lý ngại đến Nhà hát thưởng thức hòa nhạc của nhiều người. Đó cũng là lí do cần mang nhạc cổ điển ra một số nơi đông người để họ thấy gần gũi hơn.

Vẫn theo NSND Bùi Công Duy, nên có những chương trình đại chúng hoàn toàn miễn phí nhưng lại cần được đầu tư nhiều hơn, không nên làm theo phong trào. Bởi phong trào thường nhanh lên nhưng cũng nhanh tắt”.

Có thể nói, những nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ nhằm đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng thời gian qua đã cho thấy hiệu quả, giúp nhiều người có thể tiếp nhận và thưởng thức các tác phẩm lâu nay vẫn được gọi là “âm nhạc bác học”.

Cần đầu tư cho các tài năng

anhbox-8.jpg

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, tương lai và triển vọng của dòng âm nhạc hàn lâm đang rộng mở trong điều kiện đất nước đã có những hoạt động giao lưu về âm nhạc với các nước trong khu vực và thế giới. Muốn cho âm nhạc hàn lâm phát triển và ngày càng đi sâu vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng thì còn nhiều việc cần làm. Đó là đầu tư cho các tài năng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng đào tạo nhạc sĩ sáng tác trẻ, bởi họ là những người sẽ tạo ra các tác phẩm có giá trị về nội dung và tư tưởng ở các thể loại lớn như opera, giao hưởng, hợp xướng. Đồng thời đưa việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trở thành một nội dung trong việc giáo dục và bồi đắp tâm hồn của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi âm nhạc cổ điển “phá rào”