Bỏng nước sôi là tai nạn thường gặp với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em.
BS Hoàng Thị Phương Lan- trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) khuyến cáo, khi không may bị bỏng nước sôi, hãy lập tức hạ nhiệt độ cho vùng da bỏng bằng cách để vùng bị tổn thương dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút hoặc ngâm ngay vùng bỏng nước sôi vào nước lạnh (16-20 độ C) trong vòng 15-20 phút cho đến khi cơn đau dịu bớt. Sơ cứu bỏng nước sôi bằng cách bảo vệ cho vết bỏng không bị nhiễm trùng.
BS Lan cũng lưu ý, quan trọng nhất, đó là nhanh nhất sau bỏng hãy làm hạ nhiệt độ cho vùng bỏng bằng nước mát như nói ở trên. Sau đó giữ cho vết bỏng sạch sẽ, không được động chạm gì trong vòng 24 giờ sau. Chẳng may vết bỏng ở những chỗ dễ đụng chạm, bạn có thể dùng một băng vải đắp lên vết bỏng tránh sự đụng chạm vào vết bỏng.
Việc băng bó giúp cho vết bỏng không tiếp xúc với không khí, giảm đau và bảo vệ mụn nước. Gạc quấn hờ, quấn lỏng quanh vết thương tránh tạo áp lực lên vùng da bị bỏng. Nếu không có băng đạt tiêu chuẩn thì tốt nhất là giữ nguyên vùng da bị bỏng, tránh đụng chạm.
1 ngày sau khi bị bỏng, bạn có thể rửa vết bỏng nước với xà phòng cùng với nước lạnh hoặc một dung dịch nước muối sinh lý. Rửa vết bỏng mỗi ngày một lần, lau vết bỏng cho khô sau khi rửa.