Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Khi công nghiệp văn hóa thiếu nơi biểu diễn

Phương Anh 23/11/2024 09:33

Công nghiệp văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật biểu diễn và quan trọng là những show diễn lớn. Nhưng show diễn lớn mà không có địa điểm tổ chức quy mô thì thật khó để phát triển công nghiệp văn hóa.

Câu chuyện “sân khấu và sân đấu” mà dư luận đề cập tới những ngày qua là điển hình. Việc “nhường” sân cỏ cho sân khấu của một sự kiện âm nhạc đã khiến tuyển Việt Nam không được thi đấu trên sân Mỹ Đình (Hà Nội) ở vòng bảng ASEAN Cup 2024 làm khán giả bức xúc. Còn biểu diễn ở “sân khấu” này, đơn vị tổ chức cũng nơm nớp vì tiền đền bù khi mặt sân cỏ bị ảnh hưởng. Thiếu những sân khấu lớn cũng khiến nhiều đơn vị thấy ngại tổ chức các show diễn lớn.

Nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam rất có tiềm năng. Trong đó, tài sản lớn nhất là dân số trẻ, đa dạng, có khả năng tạo ra công việc, truyền cảm hứng và đem lại sự tự tin, thúc đẩy một thế hệ mới những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Tuy nhiên, nói như NSND Trần Ly Ly thì công nghiệp văn hóa của Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ, trong đó có việc hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn.

Gần đây, khái niệm công nghiệp văn hóa được nhiều người đề cập, tuy nhiên để nhìn nhận và đánh giá đúng hiện trạng thì vẫn cần một cái nhìn khách quan. Trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật lại càng cần tỉnh táo hơn. Từ việc đánh giá đúng thực trạng và tiềm năng sẽ dẫn tới việc lựa chọn mô hình phát triển tập trung, tránh dàn trải hay lãng phí đầu tư.

Các thành phố lớn hiện rất thiếu những không gian văn hóa tiêu biểu để mang lại cảm hứng cho ngành công nghiệp và cộng đồng. Như ở Hà Nội, muốn có nơi thích hợp để tổ chức một show diễn từ 5.000 khán giả trở lên là rất khó khăn. NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận xét, so với cả nước, Hà Nội đã cố gắng cải thiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn, tuy nhiên đối với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, sự đầu tư đó chưa tương xứng.

Với nhiều lợi thế, Việt Nam đang xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng để khai thác “mỏ vàng” từ các ngành công nghiệp văn hóa thì vẫn không thật hiệu quả. Trước hết, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương còn chưa đồng đều. Một số địa phương vẫn chậm trong triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, nên thiếu đầu tư, chưa tạo môi trường thuận lợi để phát triển, thiếu sự đồng cảm trong từng khâu và cũng không chủ động gắn với môi trường công nghệ số, chưa gắn với phát triển du lịch.

Chính vì thế nên yếu tố kinh tế trong công nghiệp văn hóa không hiệu quả. Điều đó dẫn tới tâm lý của lãnh đạo địa phương không muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, doanh nghiệp dẫu có muốn đầu tư thì cũng không thể mặn mà.

Nói như thế để thấy, nếu chưa khai thông được điểm nghẽn nhận thức thì cũng không thể xã hội hóa việc đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa mà chỉ dừng ở các hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, vẫn “né” những show diễn lớn. Có chăng thì cũng chỉ dăm thì mười họa, như thể “đá ném ao bèo” mà không thường xuyên, không tạo được những địa chỉ biểu diễn quen thuộc.

Vì thế, việc thay đổi nhận thức và có sự đầu tư thích đáng từ phía chính quyền địa phương cùng với hợp tác của doanh nghiệp hướng tới cộng đồng là rất cần thiết. Chỉ khi chúng ta xây dựng được những sân khấu lớn, là địa chỉ để hàng chục nghìn người cùng nhau chia sẻ cảm xúc qua những show diễn, thay vì chỉ náo nức với những buổi diễn tưng bừng của các ban nhạc nước ngoài xem qua TV, YouTube… thì lúc đó chúng ta mới tự tin để nói đến công nghiệp văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi công nghiệp văn hóa thiếu nơi biểu diễn