Phát biểu trước giới truyền thông cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng Mỹ đang bán khí đốt cho các nước Liên minh châu Âu (EU) với giá gấp 4 lần so với giá bán tại Mỹ. Ông Maire cũng cảnh báo về viễn cảnh EU phải gánh chịu hậu quả lớn hơn trong mùa đông này khi nguồn năng lượng hạn chế.
Thời điểm này, khí đốt để sưởi ấm là câu chuyện thời sự nhất tại châu Âu, vượt qua cả chuyện lạm phát. EU đã và đang gấp rút lấp đầy các cơ sở dự trữ nhiên liệu chuẩn bị chống chọi với mùa đông đang đến. Tính đến ngày 17/10, theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), dự trữ khí đốt ở EU đã được lấp đầy lên đến gần 91%. Phần lớn năng lượng dự trữ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Đáng chú ý, trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU tổ chức tại Cộng hòa Séc mới đây, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trong khối EU đã không thể thống nhất phương án áp giá trần đối với khí đốt của Nga. Trong đó, Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối việc áp giá trần, vì lo ngại biện pháp này sẽ khiến việc mua khí đốt khó khăn hơn và làm suy yếu nỗ lực khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Ở thời điểm hiện tại, giá trung bình dầu thô Nga là 75 USD/thùng; giá dầu thế giới là 90 USD/thùng; trong khi EU định áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga.
Còn Na Uy - một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn của EU, cảnh báo rằng quyết định này có thể khiến các nhà cung cấp tìm kiếm thị trường mới và ảnh hưởng xấu hơn tới tình hình năng lượng châu Âu. Trong khi lợi nhuận của Mỹ và Na Uy ngày càng tăng do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Trang tin EURACTIV.de (Đức) cho rằng Mỹ và Na Uy thu được lợi nhuận “chưa từng có” từ việc giá năng lượng tăng cao, nguồn năng lượng đến từ Nga sụt giảm do những biện pháp cấm vận. “Mỹ và Na Uy đang thu được lợi nhuận khổng lồ khi họ lấp đầy khoảng trống năng lượng mà Nga để lại” - Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Neue Osnabruecker Zeitung.
Ngày 17/10, Reuters trích dẫn dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv Eikon cho biết, Mỹ đã tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu và từ tháng 9/2022 châu Âu đã thay thế châu Á trở thành điểm đến lớn nhất của khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ.
Trong tháng 9, Mỹ có 87 chuyến hàng chở 6,3 triệu tấn khí đốt tới châu Âu. Tỷ trọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ sang châu Âu so với tổng lượng xuất khẩu của Mỹ ra thế giới đạt gần 70% trong tháng 9, tăng đáng kể so với 56% trong tháng 8 và 63% trong tháng 7. Sự gia tăng này có nghĩa là Mỹ hiện chiếm gần một nửa lượng nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên của khối, gần gấp đôi thị phần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, việc OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đối tác) thống nhất cắt giảm sản lượng khai thác 2 triệu thùng dầu thô 1 ngày, bắt đầu ngay từ tháng 11 tới, đã khiến thị trường nguyên liệu hóa thạch thế giới lo lắng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ làm tăng giá dầu và có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Còn hãng tin Bloomberg cho biết, nhiều quan chức Mỹ lo ngại việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ cộng với kế hoạch áp trần giá dầu Nga của EU sắp tới có thể khiến giá dầu tăng đột biến, khi mà “cả hai việc tiến hành cùng một lúc”.
Dựa vào những diễn biến mới nhất, Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) cho rằng giá dầu sẽ tăng trở lại mốc 100 USD/thùng, từ trên dưới 90 USD/thùng vào thời điểm giữa tháng 10. Còn Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng nâng dự báo giá dầu thô Brent sẽ ở ngưỡng 110 USD/thùng.
Như vậy, nếu như trong vòng hơn 2 tháng qua, giá dầu thô trên thị trường thế giới dao động theo hướng giảm (từ 120 USD/thùng xuống 90 USD/thùng) thì rất có thể sẽ lại bật tăng, kinh tế thế giới lại tiếp tục phải đối mặt với khó khăn mới.
Phát biểu với Bloomberg, tiến sĩ Michel Lee - chuyên gia tài chính dầu lửa khu vực Trung Đông cho rằng, từ những bất ổn và xung đột mang tính địa chính trị, dầu mỏ đã chính thức trở thành “con tin” để mặc cả giữa các bên. Lúc đầu là EU với Nga, sau đó hình thành “chiến tuyến phương Tây”, bao gồm cả Mỹ để gây sức ép với Matxcơva. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi OPEC+ vào cuộc với việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày thì tình hình đã biến đổi và căng thẳng gia tăng theo một hướng ít ngờ tới.
“Khi dầu mỏ trở thành con tin thì tình hình sẽ rất phức tạp. Vì dầu mỏ hiện đã và vẫn là nguồn nhiên liệu chính trên phạm vi toàn cầu. Lợi nhuận cũng cực lớn nên không dễ gì bên nào chịu xuống thang trước” - tiến sĩ Lee nhận xét.
Các thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ đang soạn thảo dự luật về việc ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia trong 1 năm nếu như Riyadh không đảo ngược quyết định cắt giảm sản xuất 2 triệu thùng dầu từ tháng 11 tới trước khi có hiệu lực. Thượng nghị sĩ Robert Menendez - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nói:“Đơn giản là không có chỗ để chơi với cả 2 bên trong xung đột này”, vì quyết định của Riyadh thông qua OPEC+ có lợi cho Nga và “phá hủy nỗ lực kéo giảm lạm phát của Mỹ”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã lên tiếng bác bỏ “những chỉ trích không dựa trên sự thật”, và nhấn mạnh rằng động thái của OPEC+ không mang tính chính trị hay chọn phe trong các cuộc xung đột quốc tế. Quyết định của họ được đưa ra dựa trên sự đồng thuận với những thành viên khác trong OPEC+.
Saudi Arabia được cho là “đồng minh cứng” của Mỹ ở Vùng Vịnh và cũng là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới.