Một lần nữa, âm nhạc của Trịnh Công Sơn lại trở thành chủ đề bàn luận, thậm chí tranh luận, khi những nghệ sĩ trẻ tiếp tục có cách khai triển khác lạ quanh những ca khúc vốn đã quá quen tai với công chúng. Khác với đa số những lần trước chỉ đơn lẻ từng nghệ sĩ quyết định “mở lối” làm mới nhạc Trịnh, lần này, có hẳn một dự án với sự tham gia của 6 nghệ sĩ trẻ.
1. Sáu nghệ sĩ này đều thuộc thế hệ Gen Z (thuật ngữ chỉ thế hệ sinh năm 1997 - 2012). Đó là Mỹ Anh, Juky San, Kiên Trịnh, Hoàng Duyên, Obito và Hoàng Dũng.
Họ cùng nhau tụ lại trong dự án có tên “EP GenZ và Trịnh” - một dự án âm nhạc của Universal Music Vietnam và Galaxy EE lập ra, với mục đích được cho là để tri ân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lấy cảm hứng từ 2 bộ phim gây xôn xao dư luận gần đây: “Trịnh Công Sơn”, “Em và Trịnh”.
Có thể nói, di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn để lại là một “mỏ vàng” để nhiều nghệ sĩ trẻ khai thác. Ai cũng có quyền làm mới âm nhạc Trịnh Công Sơn, và thế hệ thuộc Gen Z cũng không là ngoại lệ. Chỉ có điều, bất cứ cuộc làm mới nhạc Trịnh nào cũng là một thử thách, thậm chí các nghệ sĩ phải đứng trước những ý kiến tranh luận gay gắt, những phản biện thẳng thắn.
Cũng xin giải thích thêm, “EP” trong tên dự án là viết tắt của Extended Play - một hình thức như đĩa mở rộng, khoảng 4 - 5 bài. Theo đó, “EP Gen Z và Trịnh” gồm MV 5 ca khúc: “Mưa hồng”, “Diễm xưa”, “Nắng thủy tinh”, “Nhìn những mùa thu đi” và “Tuổi đá buồn” do 6 giọng ca trẻ vừa nhắc tên ở trên thể hiện.
Đó là những cái tên tài năng, yêu nghệ thuật, ghi dấu ấn trong lòng công chúng với những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Mỗi người đều có một màu giọng riêng, một tư duy âm nhạc mới mẻ và trên hết là tình yêu chung dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Khi tham gia dự án này, tất cả họ đều coi đây là cơ hội khi được cùng góp sức để giữ gìn, làm mới một trong những kho tàng âm nhạc giá trị của Việt Nam.
2. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn tìm kiếm những ca sĩ mới để thể hiện những ca khúc của mình. Vì thế chúng ta ngày nay mới được biết đến những giọng ca thuộc nhiều thế hệ đã hát nhạc Trịnh và để lại những dấu ấn cá nhân, như Khánh Ly, Hồng Nhung.
Và trong vòng khoảng 20 năm qua, sau ngày nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn nằm xuống, tiếp tục có thêm những ca sĩ trẻ tìm đến nhạc Trịnh Công Sơn để hát và làm mới những bài hát đã trở nên thân quen với số đông công chúng. Trong số đó, có thể kể tới những ca sĩ, từ Hà Trần đến Bùi Lan Hương, Hà Lê…
Mỗi người trên hành trình tìm kiếm lối đi mới qua di sản âm nhạc mà Trịnh để lại đều phải bước qua nhiều chông gai, và đều được dư luận “soi” nhiều chiều. Nhiều bình luận về sự làm mới của Bùi Lan Hương, Hà Lê với một số ca khúc của Trịnh Công Sơn, như “Mưa hồng”, “Diễm xưa”, “Ở trọ”… thậm chí có thể gây “sát thương” tâm hồn những người nhạy cảm trong một thời gian dài.
Thế nhưng, vượt qua những “tiếng bấc, tiếng chì”, một số nghệ sĩ vẫn tạo dấu ấn cá nhân với nhạc Trịnh. Để bây giờ, nhắc đến Bùi Lan Hương, có ý kiến nhận định, sau Hồng Nhung thì Bùi Lan Hương là người hát hay nhất nhạc Trịnh Công Sơn. Hay với ca sĩ Hà Lê, anh cũng tạo được dấu ấn của mình trong cách làm mới nhạc Trịnh với cách phối mới, cách thể hiện khác biệt. Không chỉ được một bộ phận công chúng đón nhận, Hà Lê còn được đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ủng hộ với những nhận xét tích cực.
3. Mỹ Anh (con gái ca sĩ Mỹ Linh) thử sức với “Nhìn những mùa thu đi” - một bài hát của Trịnh Công Sơn, qua những thế hệ người hát trước, thường được biết đến với màu sắc buồn trữ tình. Nhưng khi giọng ca 21 tuổi Mỹ Anh vang lên, đó lại là một nỗi buồn vẫn man mác, da diết, khắc khoải, nhưng cũng có gì đó bình thản, an nhiên hơn.
Bản phối được nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn cùng cộng sự thực hiện theo phong cách jazz swing cổ điển nhưng có hơi hướng tối giản để phù hợp hơn với giới trẻ. Bài hát thể hiện được sự mạnh bạo, đổi mới và sáng tạo của giới trẻ.
Tuy nhiên, sau khi ra mắt, “Nhìn những mùa thu đi” qua sự thể hiện của Mỹ Anh đã gây ra nhiều luồng ý kiến khen - chê trái chiều.
Tương tự như vậy, những “Gen Z” khác như Hoàng Dũng hát “Nắng thủy tinh”, Juky San hát “Tuổi đá buồn”, Hoàng Duyên hát “Mưa hồng”… cũng đối diện những ý kiến trái chiều.
Chắc hẳn, cả nhà sản xuất lẫn các ca sĩ trẻ khi nhận lời tham gia dự án “EP Gen Z và Trịnh” đã xác định chấp nhận những ý kiến trái chiều.
“Tôi biết khi nhận dự án này, chắc chắn sẽ có ý kiến trái chiều. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều để dung hòa mọi thứ. Cũng may mắn khi tôi tìm được những giọng ca rất trẻ nhưng lại có sức nặng. Sức nặng ở đây là việc các bạn hát trong một tâm thế rất cầu toàn, tôn trọng”, nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn nói, đồng thời hy vọng: “Tôi chỉ mong sau này khi một ngày dài kết thúc, mọi người có thể bật album nghe và ngủ một cách thoải mái. Bạn có thể nghe bất cứ ở nơi nào, cả trong những chuyến đi du lịch, để âm nhạc của Trịnh len lỏi vào đời sống tinh thần của người trẻ. Khi cuộc sống hiện tại trôi qua quá nhanh và dồn dập, các bạn có thể sống chậm lại một chút để cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa nơi nhạc Trịnh”.
Các bản phối trong “EP Gen Z và Trịnh” được thực hiện theo hai phong cách chủ đạo là Swing Jazz và RnB, kết hợp với chút lãng đãng hoài niệm của chất nhạc lo-fi.
4. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn hay của bất cứ nhạc sĩ nào, tất nhiên, không phải cứ “làm” là “mới”. Nhiều khi làm mới lại là sự “phá hủy”. Nhưng đứng trước những di sản âm nhạc để lại, thế hệ sau có quyền đón nhận, kế thừa và làm mới để lan tỏa và hòa hợp với xu thế thời đại. Riêng với âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng vậy. Giới trẻ ngày nay không mấy mặn mà với những bản nhạc và những giọng ca đi trước. Vì tâm thế của họ đã khác trước nhiều.
Ca sĩ Khánh Ly có lý khi nói rằng, đừng bao giờ so sánh người này với người kia, tội nghiệp nhất là so sánh một người 70 tuổi với một người 20 tuổi. Giới trẻ ngày nay có quyền hát theo cách họ nghĩ, họ cảm. Vì thế, hãy để cho họ hát.
Còn bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bày tỏ sự vui mừng khi thấy có nhiều người trẻ hát nhạc Trịnh theo cách riêng của họ.
“Anh tôi khi còn sống luôn tìm kiếm những giọng ca mới hát theo cách riêng của thời đại họ. Tôi ủng hộ các bạn trẻ tìm được cảm hứng sáng tạo trên nhạc Trịnh và cứ hãy mạnh dạn ra mắt sản phẩm của mình. Dòng chảy âm nhạc phải luôn được tiếp nối qua các thế hệ”, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói.
Đúng vậy, dòng chảy nhạc Trịnh cần được tiếp nối. Chỉ có điều, cái gì hay sẽ đọng lại, còn dở thì sẽ bị đào thải.