Theo một số chuyên gia y tế, việc một số đơn vị tư nhân đàm phán nhập vaccine, triển khai tiêm dịch vụ cho người dân là việc làm cần thiết.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 năm 2021-2022 theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, an toàn cho đối tượng tiêm chủng.
Chính phủ cho rằng, vấn đề tiêm chủng cần phải được triển khai rộng khắp, bao phủ cho người dân để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh nhất, nhưng cũng cần phải hướng tới công bằng vaccine cho người dân.
Về vấn đề triển khai tiêm vaccine Covid-19, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh thành và các bệnh viện trực thuộc, các trường Đại học về việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Bộ đề nghị các đơn vị được phân công tiêm chủng vaccine tiếp tục tổ chức tiêm chủng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 năm 2021-2022 hoàn toàn miễn phí, không nhận "bồi dưỡng" từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị tư nhân cùng tham gia vào chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trong trường hợp có sự tham gia của đơn vị tư nhân vào chiến dịch tiêm chủng dịch vụ thì Nhà nước cần có quy định rõ ràng, tránh trường hợp địa phương/đơn vị triển khai tiêm chủng, ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn vaccine vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng của người dân, ngay cả đối với những địa phương dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đơn cử như TP HCM, dù TP được Chính phủ ưu tiên nhưng cũng mới chỉ hơn 2 triệu người được tiêm thế nhưng nhu cầu cần tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ còn cao rất nhiều lần. Để tạo miễn dịch cộng đồng với 70-80% người dân từ 18 tuổi trở lên, tương đương hơn 7 triệu người được tiêm, TP cần lượng lớn vaccine với khoảng 4-5 triệu liều nữa.
Chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng là huy động mọi nguồn lực để tìm kiếm và tiếp cận nhiều nguồn, đưa được lượng lớn nhất vaccine về Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã có các văn bản thông báo tới các tỉnh, thành phố, đơn vị tư nhân đủ điều kiện nhập khẩu vaccine trên tinh thần Bộ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi khi xác minh rõ nguồn vaccine.
Đến nay, tiêm vaccine Covid-19 cho người dân vẫn chỉ được triển khai trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay mà Bộ Y tế phát động trong khi nhu cầu của người dân về việc tiêm dịch vụ vẫn rất lớn. Không chỉ người dân có nhu cầu, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ cũng mong muốn được nhanh chóng tiêm vaccine cho nhân viên để đảm bảo các công việc được diễn ra bình thường và không bị đứt gãy.
Liên quan đến vấn đề này, triển khai tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ hay "xã hội hóa" cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Theo một chuyên gia y tế, việc các doanh nghiệp, bệnh viện tư nhân được đàm phán, tìm kiếm nguồn hàng, nhập vaccine về nước phục vụ người dân sẽ giúp Việt Nam có thêm nguồn vaccine lớn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu được tiêm chủng vaccine của người dân, đây còn là giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đồng thời góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 về tiêm chủng vaccine giữa tháng 6 vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo cũng cho biết, sau khi tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên xong và đạt miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế sẽ chuẩn bị cho các giai đoạn sau, khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng miễn phí và tiêm dịch vụ.
Trước những đề xuất của các đơn vị tư nhân được đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch cũng như chủ động đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực chuyên môn để thực hiện điều trị Covid-19 và tiêm chủng, các ngành chức năng đánh giá cao và trân trọng tuy nhiên, chưa biết các phương án có khả thi hay không.
Hiện tại, các hãng cung cấp vaccine từ AstraZeneca đến Pfizer, Moderna đều yêu cầu phải làm việc ở cấp Chính phủ, cấp Nhà nước và cũng chỉ ủy quyền cho một đơn vị duy nhất. Vì vậy, đối với những trường hợp đơn vị tư nhân đề xuất nhập vaccine hay tiêm dịch vụ vẫn cần có thủ tục, lộ trình cụ thể.