Trong thời gian qua, một số ngư dân ở tỉnh Nghệ An đã bắt được những con cá lạ, sau này mới biết đó là cá Mặt trăng. Đây là loài cá nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, xếp vào loài nguy cấp, cần bảo vệ. Chúng phân bố chủ yếu ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển miền Trung.
Cá Mặt trăng.
1. Sáng 14/8/2016, khi chiếc tàu cá mang số hiệu NA-9000-TS của ngư dân Đào Văn Huân (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cập bến, bà con ngư dân bất ngờ khi biết trong lần đi biển này anh Huân đã bắt được con cá Mặt trăng nặng gần 1 tấn.
Theo lời chủ tàu, vào ngày 10/8 khi đang đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, con cá có kích thước rất lớn vướng vào lưới. Ngay sau đó, các thuyền viên trên tàu đã dùng máy tời để đưa con cá lên tàu. Khi lưới kéo lên mọi người mới biết đó là cá Mặt trăng.
Thời gian gần đây, thi thoảng lại thấy chuyện ngư dân bắt được cá Mặt trăng. Đa số là ngư dân của tỉnh Nghệ An. Hồi tháng trước, chính tàu của anh Huân cũng đánh bắt được 4 con cá Mặt trăng có trọng lượng trên 1 tấn.
Trước đó, vào chiều 23/8/2014, ngư dân Nguyễn Minh Vương chủ tàu cá NA 90390 TS ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã liên hệ với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để hiến tặng con cá mặt trăng nặng hơn 500kg.
Cũng vào tháng 8/2014, tàu cá của anh Nguyễn Văn Minh đang đánh bắt cá ở vùng biển tỉnh Hà Tĩnh thì phát hiện một con cá lạ sa vào lưới. Sau gần 3 tiếng đồng hồ, các ngư dân mới vớt được con cá lớn lên thuyền. Các ngư dân xác định đây là cá Mặt trăng quý hiếm với trọng lượng hơn 500kg, dài 2,5m, rộng 2,5m. Đến sáng 23/8, con cá Mặt trăng có trọng lượng hơn 500kg này đã được ngư dân đưa về cảng Lạch Quèn.
Vào tháng 8/2013, một ngư dân của Nghệ An cũng bắt được con cá Mặt trăng quý hiếm nặng 400kg. Ông Trần Xuân Thành - ngư dân đánh cá - cho hay trong lúc đi đánh cá bằng lưới vây ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, cách bờ khoảng 140 hải lý vào tối 31/7/2013, ông phát hiện một con cá Mặt trăng rất to đã chết mắc lưới.
Cá Mặt trăng mắc lưới ngư dân.
2. Ngư dân đi biển đều biết cá Mặt trăng rất quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Giữa biển khởi mênh mông, việc thả lưới và đánh bắt được những con cá Mặt trăng có trọng lượng “khủng” là vô tình. Chính bởi vậy, khi phát hiện bắt được cá Mặt trăng, các chủ tàu lẫn thuyền viên đều kiểm tra sức khỏe của con cá. Nếu thấy còn khỏe mạnh, lập tức họ đưa cá trở lại biển khơi.
Vừa rồi, trong chuyến ra khơi, ngư dân Đào Văn Huân ở Nghệ An không chỉ bắt được con cá Mặt trăng nặng gần 1 tấn mà còn đánh bắt được một con cá Mặt trăng khác có trọng lượng khoảng hơn 200kg. Sau khi đưa lên thuyền, phát hiện con cá còn sống nên các ngư dân đã thả lại về biển.
Tuy vậy, thực tế đa số những con cá khi được kéo lên tàu đều đã chết hoặc bị thương, hoặc rất yếu. Vì thế, khi ngư dân biết được tàu mình bắt được cá Mặt trăng đều mang về đất liền và liên lạc với các cơ quan chức năng. Sau đó, những con cá Mặt trăng này đa số đều được đưa về Bảo tàng Thiên niên Việt Nam để phục vụ nghiên cứu, trưng bày.
Hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay, tàu của ngư dân Đào Văn Huân cũng bắt được 4 con cá Mặt trăng, sau đó cả 4 con này đều được hiến tặng vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Còn nhớ, năm 2010, lần đầu tiên ngư dân Nghệ An bắt được con cá Mặt trăng. Khi đó bà con ngư dân không hề biết gì về cá Mặt trăng, mà cứ gọi là “cá lạ”, “có một không hai”. Sau khi cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam về Quỳnh Lưu thì xác định đây là cá Mặt trăng, loài cá thuộc loại rất quý hiếm, chưa từng xuất hiện ở vùng biển Việt Nam.
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng xác nhận đây là lần đầu tiên ngư dân Việt Nam đánh bắt được loại cá này. Biết con cá này cực kỳ quý hiếm, anh Phạm Xuân Thủy ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An -chủ nhân con cá, đã quyết định hiến tặng con cá Mặt trăng nói trên cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để làm nghiên cứu khoa học và vật trưng bày.
3. Theo các nhà nghiên cứu, cá Mặt trăng có tên khoa học là Mola mola, thuộc bộ cá nóc, hầu hết cuộc đời cá Mặt trăng sống cách xa đất liền. Khi còn nhỏ, cá Mặt trăng bơi bình thường như những loại cá khác, nhưng đến khi trưởng thành, chúng chỉ thích trôi nghiêng theo các dòng hải lưu. Những con nhỏ thì tụ họp lại thành đàn, nhưng khi đã to lớn, chúng chỉ thích sống một mình, trôi phiêu du đi khắp các đại dương.
Còn theo cuốn Sách Đỏ Việt Nam, cá Mặt trăng thuộc loại động vật rất quý hiếm. Nó có thân hình bầu dục tròn, rất dẹp hai bên. Miệng rất nhỏ. Vây lưng và vây hậu môn ngắn nhưng rất cao, gần như đối xứng nhau. Vây ngực nhỏ, hình tròn. Vây đuôi thấp nhưng dài, bao quanh cả phía sau thân, mép ngoài của vây chỉ hơi lượn sóng. Da thô, mỏng, không phủ vảy. Không có đường bên. Mặt và khe mang nhỏ.
Cá Mặt trăng thuộc vào loại cá nổi đại dương, phân bố rộng. Trong vùng biển Việt Nam mới chỉ phát hiện một lần ở Vịnh Bắc Bộ. Loài này có thân hình lớn nên có ý nghĩa kinh tế, dễ bị phát hiện và bị sắn bắt. Do hình dạng độc đáo và ít gặp nên cá Mặt trăng cũng là hiện vật qúy và hấp dẫn trong các bảo tàng động vật biển. Chính vì thế, việc khai thác cá Mặt trăng đã bị cấm. Nếu ngư dân bắt được cá Mặt trăng cần thả ngay khi chúng còn sống.