Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chiến lược, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để cùng với người dân thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Huyện Hàm Yên được xem là địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang trong quá trình xây dựng NTM. Để có được kết quả trên, huyện đã đưa ra những cách làm mới, phù hợp với thực tiễn đặt ra. Trong đó, Ủy ban MTTQ huyện đã có cách làm sáng tạo, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần tập hợp, vận động nhân dân tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Trong đó, để đáp ứng yêu cầu đặt ra, huyện Hàm Yên đưa ra mục tiêu phấn đấu rõ ràng đó là đến năm 2025 sẽ là huyện đầu tiên hoàn thành NTM của tỉnh.
Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Yên cũng đã xác định ngay nhiệm vụ đầu tiên đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đã ban hành Chỉ thị 01-CT/HU về tổ chức phong trào cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng NTM, đô thị văn minh ở cơ sở. Từ đó đến nay, ngày thứ 7 hàng tuần trở thành ngày làm NTM ở huyện Hàm Yên. Từ đây, tất cả các xã, các thôn trong huyện đều đồng loạt đưa ra các chương trình hành động của mình với những cách làm thiết thực, cụ thể nhất.
Tiêu biểu trong số đó là xã Thái Sơn (huyện Hàm Yên) đã tập trung cải tạo vệ sinh môi trường, xây dựng nhà văn hóa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng, xóa đói giảm nghèo… Chia sẻ thành công trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thái Sơn cho biết, để xã kịp cán đích NTM vào năm 2021, xã Thái Sơn đã huy động các nguồn lực xã hội hóa giúp địa phương chung tay xây dựng NTM. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã kêu gọi những người con xa quê hương đang sinh sống, học tập và công tác trên mọi miền của Tổ quốc hướng về với quê hương bằng những hành động, việc làm cụ thể. Chỉ sau thời gian ngắn kết nối, MTTQ xã đã huy động được nguồn kinh phí khá lớn để địa phương hoàn thiện nốt các tiêu chí còn dang dở.
Đánh giá quá trình xây dựng NTM tại địa phương, bà Nhữ Thị Tuyết Thanh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Yên cho biết, việc đưa cán bộ, chiến sĩ xuống tận cơ sở chung tay cùng với nhân dân xây dựng NTM đã tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cán bộ và nhân dân. Việc làm này còn góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, để nhân dân thấy mình thực sự là chủ thể hưởng lợi để từ đó tạo sự đồng thuận, tự giác, tích cực xây dựng NTM.
Không chỉ riêng huyện Hàm Yên mà những ngày này huyện Na Hang, một trong những huyện vùng cao có xuất phát điểm thấp nhưng đến nay đã có 4 xã đạt chuẩn NTM là Năng Khả, Côn Lôn, Hồng Thái và Thanh Tương, số tiêu chí đạt bình quân 15 tiêu chí/xã. Bà Đàm Thanh Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Na Hang cho biết, với đặc thù đời sống người dân còn gặp khó khăn, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền miệng, “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi nhận thức của người dân. Qua đó giúp cho công tác tuyên truyền tạo được sức lan tỏa đến tận cơ sở, được người dân đồng tình hưởng ứng.
Để đạt được mục tiêu đã vạch ra từ trước, trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Tuyên Quang đưa ra lộ trình, mục tiêu thực hiện bằng việc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, thôn NTM kiểu mẫu, vườn mẫu NTM.
Ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, đối với mỗi cán bộ Mặt trận, việc sâu sát cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, bởi chỉ có trải qua thực tiễn, được tôi luyện và học hỏi trong thực tiễn, người cán bộ Mặt trận mới có thể rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, năng lực, trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, mỗi cán bộ Mặt trận trên địa bàn tỉnh luôn bám sát thực tiễn xây dựng NTM ở cơ sở, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.