Những người nông dân xưa nay chỉ gắn bó với đồng ruộng, quanh năm trông chờ vào thu nhập từ cây lúa, cây rau giờ đã nhận thấy được sự đổi thay khi tham gia trực tiếp vào những mô hình du lịch nông nghiệp. Ở một số quận, huyện ngoại thành Hà Nội đã xuất hiện mô hình này và cho thấy hiệu quả rõ rệt…
Khi nông dân “mê” làm du lịch
Xã Hồng Vân nằm ở phía đông của huyện Thường Tín (Hà Nội). Nơi đây vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh, đời sống người dân hiền hòa chất phác. Đặc biệt, xã Hồng Vân có di sản văn hóa phi vật thể lâu đời, phong phú, độc đáo với không gian văn hóa mang nét đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ… Đó là những tiềm năng to lớn để xã phát triển du lịch cộng đồng với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - làng nghề và du lịch văn hóa, tâm linh.
Đến với xã Hồng Vân, du khách không chỉ được tham quan những di tích lịch sử văn hóa mà còn được đi qua những con đường mang đầy sắc hoa với hoa ban, hoàng yến, bằng lăng, phượng vỹ... cùng các mô hình sản xuất nông nghiệp, vườn cây cảnh kết hợp khai thác dịch vụ, du lịch tạo nên bức tranh làng quê rực rỡ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa - chủ cơ sở du lịch “Đảo hoa tiên, xứ mây hồng” ở vùng bãi sông Hồng, thuộc xã Hồng Vân cho biết, gia đình chị tham gia làm du lịch từ năm 2021. “Trước khi khai thác vùng cồn cát ven sông làm du lịch thì đây chỉ là vùng lau sậy, trồng trọt một số loại như ngô, lạc… hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết thiên nhiên. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào mô hình du lịch, chúng tôi đầu tư vào cải tạo đất, thiết lập một số khu vực dịch vụ hạ tầng để đón du khách đến nghỉ ngơi, tham quan và chụp ảnh với các loại hoa theo mùa. Mô hình này được UBND xã rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân” - chị Hòa chia sẻ.
Tương tự, tại quận Long Biên cũng đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp sinh thái ven sông và đang dần trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Điển hình là mô hình du lịch sinh thái Giang Biên, nằm trên địa bàn phường Giang Biên. Từ tháng 9/2022, nhiều hộ dân ở phường đã tham gia Dự án “Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội - Mô hình du lịch nông nghiệp, một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập”.
Bà Nguyễn Thị Phượng (68 tuổi, ở phường Giang Biên), là một trong những gia đình tham gia vào mô hình du lịch nông nghiệp cho biết, mọi thứ dần thay đổi khi gần 20 hộ nông dân trong vùng được tiếp cận và chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển các sản phẩm du lịch từ nguồn tài nguyên nông nghiệp.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 11 trang trại hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp. Đồng thời có 4 hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm. Những mô hình du lịch nông nghiệp đang phát triển tại những vùng nông thôn của Hà Nội không chỉ góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, mà hơn hết là góp phần đưa nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng đa giá trị, phát huy tối đa nguồn lực đất đai.
Chính những người nông dân xưa nay chỉ gắn bó với đồng ruộng, quanh năm trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ cây lúa, cây rau, đã nhận thấy được sự đổi thay khi tham gia trực tiếp vào những mô hình du lịch nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hoài Nam, ở phường Giang Biên, tham gia dự án chia sẻ: “Từ khi tham gia dự án, chúng tôi không chỉ thay đổi phương thức canh tác để nâng cao năng suất cây trồng, tăng giá trị sản phẩm mà còn biết cách chuyển đổi mô hình sang phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững. Chúng tôi cũng được tập huấn cách giao tiếp với du khách, cách quảng bá sản phẩm... Nhờ đó, nguồn thu nhập của bà con được cải thiện đáng kể”.
Tiềm năng còn rất lớn
Nhận định tiềm năng về du lịch của mô hình nông nghiệp Hà Nội, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho rằng: Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại Hà Nội là rất lớn do thành phố có cảnh quan thiên nhiên đẹp, vùng đất đa dạng, nền nông nghiệp phong phú và truyền thống văn hóa lâu đời. Qua thời gian, các mô hình du lịch nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội đã phát triển và thu hút sự quan tâm của du khách. Các mô hình này không chỉ giúp thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương mà còn mang lại nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và mang lại những kết quả khả quan, nhưng loại hình du lịch này vẫn còn manh mún, chưa tạo ra sự độc đáo. Cùng với đó là kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh cũng là nguyên nhân khiến cho du lịch nông nghiệp ở Hà Nội chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, hiện nay nhiều mô hình du lịch nông nghiệp vẫn sao chép lẫn nhau, chưa tạo ra nét riêng. Bên cạnh đó, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác, dẫn đến chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Vẫn “mạnh ai nấy làm”, chưa tạo ra bức tranh du lịch tổng thể.
Bà Phạm Thị Phương Thảo - người sáng lập AgriTravel - đơn vị dẫn tour trải nghiệm du lịch nông nghiệp cho biết: Du lịch nông nghiệp hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội thường là trang trại nhỏ lẻ, tự phát, chưa được phát triển đồng bộ, chưa được quy hoạch thành vùng tập trung. “Nếu người dân đầu tư làm trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm thì chi phí đầu tư rất lớn. Thường người nông dân đầu tư trang trại sản xuất nông nghiệp trước, khi có nguồn thu từ việc bán nông sản mới xoay vòng đầu tư trải nghiệm du lịch. Nhưng có những trang trại mất vài năm mới thu hồi lại vốn nên không đủ nguồn lực đầu tư trải nghiệm du lịch. Nếu muốn chính người dân làm du lịch thì họ cần được đào tạo về cách làm du lịch” - bà Thảo cho biết.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, để mô hình du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, Hà Nội cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm có sức hút với du khách, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, tăng cường tiếp cận thị trường và tạo ra các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển mô hình này. Ngoài ra, việc tạo ra môi trường hợp tác giữa các bên liên quan và xây dựng một hệ thống pháp lý rõ ràng cũng là yếu tố quan trọng để khắc phục một số rào cản trong phát triển mô hình này.