Lịch sử trang phục của Việt Nam là một quá trình phát triển kéo dài gần 4.000 năm, trải qua bao thăng trầm, biến hóa và thay đổi đa dạng, nhưng đến nay các trang phục truyền thống vẫn còn mang trong mình các dấu ấn văn hóa đặc sắc, tôn lên vẻ đẹp vốn có của người Việt Nam. Ảnh: NVCC. Với mong muốn gìn giữ cổ phục Việt và những nét hoa văn độc đáo qua các thời kỳ, chị Nguyễn Thị Nga (36 tuổi, Hà Nội) đã gây dựng nên thương hiệu "Vạn Thiên Y". Trong quá trình "trở về lịch sử", chị có những cộng sự đồng hành, chủ yếu là các bạn trẻ với kiến thức đa dạng và niềm đam mê đặc biệt với văn hóa. Từ các nghiên cứu chi tiết, chính xác dựa trên sự tìm tòi về lịch sử, các sản phẩm cổ phục được ra đời. Cổ phục Việt Nam gồm nhiều loại như: áo ngũ thân tay chẽn, áo Nhật Bình, áo tấc, áo Viên Lĩnh, áo Giao Lĩnh... Tất cả đều được thiết kế dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử, văn hóa để giữ nguyên nét truyền thống vốn có của cổ phục. Để làm ra 1 bộ cổ phục hoàn chỉnh, người thiết kế sẽ không có thời gian cố định cho việc nghiên cứu. Nguồn sáng tạo của cổ phục có thể bắt nguồn từ internet, các pho tượng tại bảo tàng, đền chùa... và từ tất cả các nguồn tư liệu cổ thu thập được. Ảnh: NVCC. Áo Phượng bào dành cho Hoàng Hậu - Hoàng Thái Hậu thời xưa. Trang phục dành cho quan lại trong triều đình. Y áo pháp phục - Trang phục dành cho các sư thầy trong chùa thời xưa. Với mong muốn mang cổ phục đến gần hơn với bạn bè quốc tế, Vạn Thiên Y thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm, trải nghiệm văn hóa Việt Nam và thu hút nhiều sự chú ý của khách du lịch nước ngoài. Các bạn nhỏ tỏ ra thích thú với cổ phục Việt. Bên cạnh phục dựng cổ phục, Vạn Thiên Y còn tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng hơn bằng cách kết hợp họa tiết, hoa văn cổ trên trang phục hiện đại. Các hình ảnh hoa văn cổ được Vạn Thiên Y phục dựng, khắc họa trên sản phẩm áo phông tay lỡ phổ biến ngày nay đã thu hút nhiều bạn trẻ. Áo sơ mi hiện đại cũng được kết hợp với hoa văn cổ tạo nên sự mới lạ nhưng không kém phần bắt mắt.