Cổ phục Việt ngày càng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Sự kiện “Bách hoa bộ hành” Tết 2025 vừa được tổ chức tại không gian phố cổ Hà Nội là một trong những hoạt động cộng hưởng trong kỳ "Tết Việt - Tết Phố”, thu hút tới 400 thành viên mặc trang phục truyền thống Việt Nam, đi qua các điểm di tích lịch sử của Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội.
Cổ phục Việt với đa dạng kiểu dáng và phong cách đang trở lại mạnh mẽ trong những năm gần đây. Những trang phục đặc trưng cho các triều đại đến nay được giới trẻ không chỉ phục dựng mà còn cách tân để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Việc giới trẻ tìm đến cổ phục không chỉ là một xu hướng thời trang mà còn là biểu hiện rõ nét của lòng tự hào dân tộc, tình yêu dành cho những nét đẹp trong văn hóa truyền thống.
Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc, người sáng lập thương hiệu cổ phục Ỷ Vân Hiên, nhận định, trong vài năm gần đây, sự quan tâm của giới trẻ đối với văn hóa truyền thống ngày càng gia tăng. Họ không chỉ tìm hiểu về lịch sử các triều đại, nghi thức thưởng trà cung đình hay ý nghĩa các biểu tượng văn hóa cổ mà còn đặc biệt chú ý đến cổ phục Việt Nam.
Ông Lộc cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực, bởi cổ phục không đơn thuần chỉ là trang phục dành cho những dịp đặc biệt hay công việc, mà còn phản ánh một nét văn hóa đặc trưng của người Việt - vừa thanh lịch vừa văn minh. Trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển, việc giới trẻ hướng về những giá trị truyền thống chính là minh chứng rõ ràng cho sự trân trọng và bảo tồn bản sắc dân tộc.
Thay vì lựa chọn những bộ trang phục hiện đại, trong các ngày lễ quan trọng như dịp cưới hỏi, nhiều bạn trẻ đã chọn cổ phục như áo Nhật bình và áo Ngũ thân để ghi lại những khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ và trang trọng nhất. Ngoài ra, các địa danh lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, Phố cổ Hội An… cũng trở thành bối cảnh lý tưởng cho những bộ ảnh nghệ thuật với cổ phục.
Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều nhóm cộng đồng đã được các bạn trẻ sáng lập để thể hiện niềm đam mê với trang phục truyền thống Việt Nam. Những bộ áo như áo Đối khâm thời Lý - Trần, áo Giao lĩnh thời Lý - Trần - Lê, áo Tấc và áo Nhật bình thời Nguyễn hay áo Ngũ thân luôn thu hút sự chú ý và lòng yêu thích của những người đam mê văn hóa cổ truyền.
Các nhà nghiên cứu văn hóa nhìn nhận xu hướng giới trẻ yêu thích cổ phục Việt là một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; đánh giá cao ý thức văn hóa của nhiều bạn trẻ, đồng thời kỳ vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục lan tỏa và góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc trong thời kỳ hội nhập.
ThS Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển) cho rằng, sự quan tâm của giới trẻ đối với cổ phục là minh chứng rõ ràng cho ý thức gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống ngày càng được đề cao. Những người trẻ đam mê và lan tỏa vẻ đẹp của trang phục xưa không chỉ giữ vai trò kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai mà còn góp phần làm sống lại giá trị văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, việc bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa của cổ phục, khi được thể hiện đúng thời điểm và không gian, chính là cách khẳng định thương hiệu văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.