Theo tính toán, nếu phát triển mạnh mẽ và thay thế hoàn toàn thanh toán tiền mặt, hình thức thanh toán phi tiền mặt có thể giúp Việt Nam tiết kiệm hàng chục tỷ USD. Một ví dụ khá điển hình của việc tiết kiệm phải kể đến dịch vụ Cooking Gas của Ấn Độ, theo đó, chỉ với riêng dịch vụ này, hình thức thanh toán qua hệ thống ngân hàng thay vì thu tiền mặt, Ấn Độ đã tiết kiệm được 2 tỷ USD mỗi năm.
Hoặc như Ireland, Chính phủ nước này ước tính, nếu người dân, doanh nghiệp sử dụng tiền mặt và séc, thì chi phí cho việc sản xuất, quản lý và bảo vệ các sản phẩm này lên tới 940 triệu USD mỗi năm (tương đương 1,4% GDP của nước này).
Dùng thẻ thay vì tiền mặt đem lại nhiều tiện ích.
Có thể thấy, một trong những lợi ích nhìn thấy rõ nhất chính là việc tiết kiệm nguồn ngân sách phải chi trả cho các loại giao dịch khi tiền mặt vẫn là phương tiện giao dịch, thanh toán chính. Và nhìn nhận được lợi ích đó, hầu như các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đã chuyển đổi, sử dụng hình thức thanh toán phi tiền mặt từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, thanh toán bằng tiền mặt vẫn là thói quen ở Việt Nam. Phần lớn người tiêu dùng, doanh nghiệp vẫn quen sử dụng tiền mặt như một tấm lá chắn phòng thân chứ không phải là một chiếc thẻ ngân hàng. Nhiều người có quan điểm rằng, khi bước chân ra khỏi nhà, họ phải có ít nhất là 1-2 triệu đồng tiền mặt trong ví mới có cảm giác yên tâm. Còn nếu chỉ với một tấm thẻ ATM hay visa mà trong ví không có một đồng polimer nào thì giống như người bị… mất ví.
Trên thực tế, ít ai nghĩ đến chính việc sử dụng tiền mặt để thực hiện các giao dịch đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế. Tham nhũng, gian lận, trốn thuế, rửa tiền… chính là những “khối u” được hình thành từ việc chúng ta sử dụng tiền mặt là công cụ chính để giao dịch.
Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng internet. Khoảng 35 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (smart phone), có đến 45% người dùng smart phone để tìm kiếm thông tin mua hàng hóa trên mạng… Chính bởi vậy, phát triển thanh toán dựa trên ứng dụng các công nghệ hiện đại nên trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại kinh tế số hiện nay. Bên cạnh đó, việc thanh toán phi tiền mặt cũng sẽ hạn chế được những hệ lụy về tham nhũng, gian lận, trốn thuế...
Đó là những lợi ích nhãn tiền. Và nhận thấy được những mặt tích cực của việc thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ cũng đã quyết tâm giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán xuống 10% vào năm 2020 và 8% vào năm 2025. Song, giới chuyên gia đánh giá, đây là mục tiêu không dễ đạt được, bởi chúng ta sẽ phải giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt tới gần 1,5% chỉ trong vòng một năm tới, trong khi 8 năm qua, cả nước chỉ giảm được 2%.
Đây thực sự là một con số thách thức, khi mà, ngay chính cả những cơ quan nhà nước cũng vẫn còn đang khá ì ạch với mục tiêu này. Chẳng hạn theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, có 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh phải thực hiện qua ngân hàng, song cho đến thời điểm hiện nay, con số này mới chỉ đạt trên 50% - một mức quá khiêm tốn so với con số mong muốn.
Đến ngay những cơ quan hành chính công - những đơn vị đáng lẽ phải gương mẫu đi đầu trong việc sử dụng hình thức thanh toán phi tiền mặt, còn chậm chạp như vậy, thử hỏi liệu có thể thúc đẩy được xã hội tiến hành mục tiêu này nhanh hay không?
Nếu nhìn vào lợi ích chung của toàn xã hội, dường như ai cũng hiểu rằng, thanh toán phi tiền mặt rất có lợi cho các bên tham gia và đối với cả nền kinh tế. Tuy nhiên, có một lý do khiến hình thức thanh toán này vẫn chưa chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, một phần cũng bởi thời gian qua xảy ra nhiều sự vụ mất tiền trong tài khoản, hacker tấn công trực tiếp vào hệ thống ngân hàng khiến cho không ít người tiêu dùng chỉ sau một đêm mất trắng tài sản. Thiết nghĩ, để người dân trở nên quen dần với thanh toán phi tiền mặt, điều quan trọng là phải tạo được niềm tin cho người dân.
Theo đó, hệ thống ngân hàng phải nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống thanh toán, có cách ứng xử hợp lý với các sự cố mất tiền… để gây dựng được chữ tín, niềm tin cho người dân. Khi niềm tin được củng cố, chắc chắn chẳng một người dân, doanh nghiệp nào lại quay lưng với những việc đem lại lợi ích cho chính mình và cho toàn xã hội.