Khi nông dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Mạnh Thìn - Thiên Du 22/08/2023 15:54

Chuối và bưởi là hai loại trái cây trước đây chỉ loanh quanh thị trường trong nước nay đã được thu mua xuất khẩu, cấp mã vùng trồng. Đó là một trong những thành công mà nhiều nông dân ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai làm được trong thời gian qua.

Vườn chuối xuất khẩu của ông Trần Văn Thống, ở ấp 6, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thiên Du.

Gặp ông Trần Văn Thống, ở ấp 6, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc khi đang cầm thước đo từng buồng chuối tại vườn, không khỏi ngạc nhiên bởi đây là lần đầu được nhìn tận mắt nông dân thực hiện khâu “đo chuối”. “Bằng mắt thường cũng nhìn được là đến thời điểm thu hoạch hay chưa. Nhưng mình phải dùng cái thước của đối tác thu mua để đo, đảm bảo quy trình và hơn hết là đảm bảo được chất lượng cho trái chuối trước khi xuất vườn”, ông Thống nói và khẳng định đã quen với việc này và đó cũng là cách làm nông nghiệp tư duy “chuẩn chỉ” mà trước giờ ông chưa hề nghĩ đến.

Theo ông Thống, khu đất đang trồng chuối của ông trước đây trồng mía. Cây mía vốn bấp bênh, thị trường thiếu ổn định nên điệp khúc “cứ trồng là thua” khiến nhiều nông dân không còn mặn mà. Qua một thời gian tìm hiểu, năm 2019, ông quyết định chuyển sang trồng chuối xuất khẩu. Giống chuối già Nam Mỹ được ông tuyển lựa từ một vườn ươm của huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho hiệu quả khá tốt.

Giống chuối già Nam Mỹ được ông Thống tuyển lựa cho hiệu quả khá tốt. Ảnh: Mạnh Thìn.

Với sự nỗ lực của bản thân, kết hợp với việc cây chuối được trồng theo quy chuẩn hữu cơ của đối tác (Trung Quốc), đến nay, qua 4 năm, ông Thống đã mở rộng diện tích trồng lên đến 70 ha. “Phía đối tác Trung Quốc đã giao cho mình những thông số kỹ thuật để ra được trái chuối xuất khẩu. Việc của mình là trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật, còn việc thu hoạch, bao tiêu là của đối tác”, ông Thống nói.

Thời gian đầu, ông Thống bán cho thương lái với giá giao động từ 10-16 ngàn đồng/ký. Nhưng với sự nhạy bén trong làm ăn kinh tế, ông Thống ký hợp đồng bao tiêu trực tiếp với đối tác Trung Quốc giá 8 ngàn đồng/ký. Tuy có thấp hơn giá thị trường nhưng có sự ổn định về đầu ra. “Bình quân 1 ha thu được khoảng 45 tấn, có khi được 60 tấn trái, trừ chi phí, tôi thu về được khoảng 150 triệu đồng/ha”, ông Thống cho hay.

Những cánh đồng chuối xanh mướt nhìn từ trên cao ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: Mạnh Thìn.

Cùng ngụ ấp 6, xã Xuân Bắc, nông dân Ngô Ngọc Sơn có 10 năm gắn bó với cây bưởi da xanh. Đến nay, ông đã trồng được 3,5 ha, trong đó có 2 ha đang trong giai đoạn thu trái. “Vườn bưởi của tôi chủ yếu là cây từ 6-10 năm tuổi. Cây hiện phát triển tốt, được canh tác theo hướng hữu cơ”, ông Sơn nói và khẳng định, riêng vườn bưởi của ông cho trái quanh năm.

Theo ông Sơn, việc cho trái quanh năm giúp nguồn đầu ra của gia đình luôn ổn định. “Chính vụ, trái vụ có cả. Tôi áp dụng rất nhiều phương pháp trồng, chăm sóc theo kỹ thuật hiện đại, sử dụng chế phẩm sinh học hữu cơ để kích thích theo ý nên vườn lúc nào cũng có trái bán. Chất lượng trái được nhiều đơn vị, đối tác thu mua đánh giá cao”, ông Sơn vui mừng.

Vườn bưởi da xanh của nông dân Ngô Ngọc Sơn. Ảnh: Thiên Du.

Việc bỏ ra chi phí đầu vào cao để trồng theo phương pháp hữu cơ giúp trái bưởi của ông có được đầu ra ổn định và đặc biệt được nhiều nhà xuất khẩu chọn thu mua. Hiện 1 ha trung bình có thể thu được từ 30-60 tấn trái. Trừ chi phí, thu lãi khoảng 230-250 triệu đồng/ha.

Ngoài việc trồng, ông Sơn còn đi các vườn bưởi khác trên địa bàn để thu gom, sau đó về về phân loại trái giao cho các đầu mối theo mẫu. Đối với hàng loại 1 thì bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc, hàng loại 2 thì vào các siêu thị, loại 3 thì vào các chợ bình dân.

Nông dân Ngô Ngọc Sơn kiểm tra trái bưởi đã đạt yêu cầu chưa trước khi xuất vườn. Ảnh: Mạnh Thìn.

Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc Trần Văn Trình cho biết, ông Thống, ông Sơn là hai trong số nhiều nông dân trên địa bàn xã đã và đang thay đổi tư duy về cách làm nông nghiệp. Với lợi thế quỹ đất sản xuất nông nghiệp lớn, gần 5,8 ngàn ha, thích hợp một số cây trồng chủ lực như: chuối, mít, bưởi, xoài. Nông dân trên địa bàn tích cực nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, nông dân còn áp dụng biện pháp canh tác hữu cơ. Tuy chi phí đầu vào cao nhưng cho sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng tốt, vì thế đầu ra tương đối ổn định.

Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc Trần Văn Trình (bên trái) khẳng định thay đổi tư duy về cách làm nông nghiệp đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập, sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định. Ảnh: Mạnh Thìn.

“Xã hiện có 3 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác và 42 câu lạc bộ năng suất cao thu hút hơn 1.828 hội viên nông dân tham gia. Nông dân liên kết theo tổ, nhóm và sản xuất tập trung cùng một loại cây trên diện tích lớn nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, xây dựng vùng thu mua nông sản lớn, đã tạo được “vựa” sản phẩm nông nghiệp lớn. Nông dân không còn bị ép giá, chật vật tìm đầu ra như nhiều năm trước”, ông Trình nói.

Không chỉ Xuân Bắc, nông dân nhiều xã có lợi thế về phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Xuân Lộc cũng đã có nhiều thay đổi trong cách làm. Điển hình như nông dân xã Xuân Trường không chỉ áp dụng khoa học kỹ thuật để ghép cải tạo hai giống xoài cát Bưởi và xoài cát Hòa Lộc mà còn chuyển hướng sang trồng trái vụ cho hiệu quả cao. Nông dân xã Lang Minh trồng cây kèo nèo cho thu nhập cao trên những vùng đất sình lầy nghèo dinh dưỡng.

Lão nông Nguyễn Dũng ở xã Xuân Trường bên những trái xoài Cát Hòa Lộc trái vụ. Ảnh: Mạnh Thìn.

Ông Đoàn Văn Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Xuân Lộc khẳng định, thời gian qua, địa phương đã có nhiều bước đột phá lớn trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là nỗ lực rất lớn trong quá trình thực hiện nông thôn mới trên địa bàn.

Theo ông Thiện, hiện nay huyện đã phát triển được trên 700 ha cây trồng đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; có 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động, trong đó có trên 67% diện tích được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm; đã được cấp 25 mã số vùng trồng tập trung đối với cây chủ lực, 100% các vùng sản xuất tập trung đều đã được ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, sản xuất ứng dụng công nghệ cao và hướng đến sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ. Các vùng sản xuất tập trung đều đảm bảo các điều kiện về hạ tầng phục vụ sản xuất; đã phê duyệt thêm 8 chuỗi liên kết nâng tổng số dự án được duyệt trên địa bàn huyện Xuân Lộc lên 15 dự án; có 61 nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có 44 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng độc quyền, toàn huyện có 23 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nền nông nghiệp tại địa phương phát triển toàn diện và ổn định, từng bước đã chuyển sang sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Đến nay, trên địa bàn huyện diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao (trên 300 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm) khoảng 3.000 ha. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha trồng trọt đến nay đạt hơn 211,6 triệu đồng/ha, tính cả chăn nuôi đạt 343,3 triệu đồng/ha.

"Với những lợi thế nông nghiệp đang có, Xuân Lộc sẽ đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn; mô hình sản xuất nông nghiệp kết nối phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay”, ông Thiện hồ hởi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO