Ông Trần Văn Ca (chủ một trang trại thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết, vụ mùa thanh long năm nay, giá thanh long khá cao và đang giữ ở mức 11.000-13.000 đồng/kg thanh long ruột trắng; 40.000-43.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ loại 1. “Trừ hết chi phí, vườn thanh long nhà tôi vụ năm nay thu về khoảng vài trăm triệu đồng” - ông Ca cho biết.
Tại tỉnh Bình Thuận, “thủ phủ thanh long”, thu hoạch bao nhiêu đều được thương lái đến thu gom bấy nhiêu. Mùa thanh long ở Bình Thuận năm nay sáng bừng hơn hẳn nhiều năm trước, khi mà có những thời điểm thanh long rớt giá bày bán tràn trên vỉa hè, lề đường mà cũng chẳng có khách mua.
Với trái sầu riêng, nông dân ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đang vào vụ và cũng trúng lớn khi thương lái thu mua tại vườn lên tới 65.000-70.000 đồng/kg giống Dona; 45.000-50.000 đồng/kg giống Ri6.
Bà Nguyễn Thị Thương Thương, chủ một nhà vườn sầu riêng ở Đạ Huoai cho biết, sầu riêng thu hoạch chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc. Có 10ha sầu riêng, bà Thương chia sẻ, thương lái đã thu mua và đặt cọc tận vườn với giá 75.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mọi năm.
Nhiều chủ vườn trái cây cho biết, bà con nông dân đã chủ động sản xuất, trồng trọt theo các tiêu chuẩn mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Điều này đã giúp cho các sản phẩm nông sản của bà con đều hơn, đẹp hơn và chất lượng hơn. Đây là những tiêu chuẩn mà thị trường nhập khẩu rất cần. Bởi vậy, các sản phẩm bà con làm ra cũng được giá hơn và tiêu thụ tốt hơn.
Như vậy là, chỉ cần thay đổi tư duy, sản xuất có trách nhiệm, không chạy theo giá, không manh mún tự phát, và đặc biệt cần có sự kết nối giữa các mắt xích trong chuỗi sản xuất, từ đầu vào cho đến khâu tiêu thụ... thì nông sản sẽ được nâng chất, nâng giá trị. Nói như đại diện một doanh nghiệp, chỉ cần sản phẩm của bà con nông dân chất lượng tốt thì doanh nghiệp tự khắc tìm đến mua và trả giá cao, chứ không phải lo tìm cách giải cứu nông sản ế như đã từng diễn ra.