Các sàn thương mại điện tử đã góp phần đưa nhiều sản phẩm địa phương, đặc biệt là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) vươn xa, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ trong những năm gần đây.
Chủ động đưa nông sản lên sàn
Nhằm thúc đẩy đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thời gian qua, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh Yên Bái đã chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Chỉ tính riêng năm 2022, Sở Công Thương Yên Bái đã hỗ trợ cho 27 DN xây dựng và hoàn thiện hạ tầng TMĐT, đồng thời duy trì hoạt động của sàn TMĐT Yên Bái tại địa chỉ sctyenbai.com. Đến thời điểm hiện tại có gần 1.000 lượt DN và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn.
Sở Công Thương Yên Bái cũng phối hợp với các DN đăng tải nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử voso.vn và postmart.vn với mục tiêu đổi mới, đa dạng phương thức hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và năng lực của các DN trong tỉnh tới các đối tác trong nước và quốc tế để liên kết sản xuất, kinh doanh.
Là một HTX quy tụ nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc tại tỉnh Yên Bái, ông Đàm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thái Sơn, tỉnh Yên Bái cho biết, HTX có 5 sản phẩm OCOP 3 sao đều đã có mặt trên sàn TMĐT Posmart gồm: lạc ri vỏ đỏ, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, dầu đỗ tương, dầu vừng. Đây là sản phẩm nguyên chất được sản xuất từ nông sản của địa phương. Thông qua sàn TMĐT đã giúp HTX tiêu thụ khá nhiều, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19.
Theo chia sẻ của ông Việt, trước đây HTX chưa lên sàn thì tiêu thụ qua một số trang mạng xã hội cũng đã giải quyết một phần, và sau khi lên sàn thì tích cực hơn, khối lượng hàng được bán đi lớn hơn.
Đại diện Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay, trên cơ sở danh sách các hộ sản suất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân cung cấp, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán cho các hộ nông dân trên sàn TMĐT postmart.vn, giới thiệu được 3.550 sản phẩm; trong đó, có 108 sản phẩm OCOP, giá trị giao dịch thương mại đạt trên 1 tỷ đồng.
Tại tỉnh Tiền Giang, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tiếp cận các nền tảng TMĐT, mạng xã hội để bán hàng nông sản. Cửa hàng bán rau, quả sạch của nhóm anh Huỳnh Mạnh Hùng (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) đã tận dụng sàn TMĐT để giao thương, tiêu thụ sản phẩm trong hơn 4 năm qua. Theo đó, các mạng xã hội như: Zalo, Facebook đã trở thành kênh mua bán hữu hiệu, giúp nhóm của anh Hùng đẩy mạnh đưa ra thị trường các loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, mít, sầu riêng. Theo anh Hùng, ban đầu, cửa hàng được lập ra trên mạng xã hội chủ yếu để bán xoài. Về sau, lượng khách hàng ngày càng đông và yêu cầu thêm nhiều loại trái cây khác nên cửa hàng mới cung ứng thêm các nông sản khác. Trung bình mỗi mùa, cửa hàng của nhóm anh bán được khoảng 6 - 7 tấn xoài và hơn 20 tấn sầu riêng.
Tại tỉnh Trà Vinh, theo ông Phạm Thành Nam - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh), hiện nay tỉnh đang chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, cũng như sản phẩm đặc trưng về thủ công mỹ nghệ truyền thống của vùng đồng bào dân tộc trên các sàn TMĐT; đặc biệt là hỗ trợ các sản phẩm OCOP 5 sao tham gia các gian hàng của các sàn thương mại điện tử quốc tế.
Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng triển khai liên kết các sàn giao dịch giữa các tỉnh, trong đó Trà Vinh đã liên kết được 18 tỉnh trong khu vực của miền Đông và khu vực miền Tây, như: Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… để hỗ trợ công tác cho DN trong kết nối cung cầu và tìm kiếm thị trường hàng hóa.
Thúc đẩy sử dụng ứng dụng công nghệ
Giới chuyên gia nhận định, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các kênh TMĐT đã hỗ trợ hàng nghìn lượt DN tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa qua TMĐT. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương nói chung, sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng được đẩy mạnh tiêu thụ. Cụ thể, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mật tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh TMĐT, tạo làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống.
Dù vậy, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa tiếp cận được với các kênh bán hàng online. Đồng thời, việc kết nối, và tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua các nền tảng TMĐT mới chỉ dừng ở việc quảng bá, giá trị bán hàng còn thấp.
Một trong những khó khăn được các chuyên gia chỉ rõ, là do 100% thành viên của các HTX là nông dân, kiến thức về công nghệ hạn chế nên chưa khai thác để sử dụng các nền tảng số một cách hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở logistics, chi phí vận chuyển giao hàng chiếm tỷ trọng khá lớn, từ 20-30%, thậm chí có khi tới 40% cũng đang tạo áp lực không nhỏ trong việc đưa các nông sản địa phương lên sàn TMĐT.
Để gỡ khó cho câu chuyện này, ông Nguyễn An Sơn - Trưởng Phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy sử dụng ứng dụng TMĐT trong cộng đồng DN và giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về trình độ phát triển TMĐT.
Một trong những giải pháp đã được triển khai là hợp tác với các sàn TMĐT lớn trên thế giới để ứng dụng TMĐT xuyên biên giới. Qua đó các sản phẩm đặc sản đặc biệt của Việt Nam sẽ được xuất khẩu thông qua TMĐT.
Còn theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Huyền - Trưởng Phòng Kinh doanh Online (Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), trong quá trình hỗ trợ dịch vụ nông sản, nhất là nông sản tươi thì vấn đề logistics luôn là một bài toán cần lời giải, kể cả đã có một chuỗi logistics rất hoàn thiện từ khâu đóng gói, đến bảo quản nhưng vẫn phải chọn lựa để sản phẩm tránh được rủi ro thấp nhất.
Tìm lời giải bài toán đó, bà Huyền cho biết, đề án về logistics cho nông sản tươi sẽ được triển khai trong năm 2024. Theo bà Huyền, dịch vụ này mở ra sẽ có sự chung tay góp sức của 63 bưu điện tỉnh. Khi đó việc phát triển tiêu thụ sản phẩm nông sản của các địa phương sẽ có nhiều lợi thế hơn, tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP vươn xa hơn.