Việc Công viên Thống Nhất (Hà Nội) được cơ quan chức năng hạ rào chắn phía đường Trần Nhân Tông đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Động thái này có ý nghĩa trong việc tạo ra không gian mở thuận tiện cho người dân. Song nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải thận trong việc quản lý và vận hành để tránh hệ lụy có thể xảy ra.
Hàng rào công viên Thống Nhất (Hà Nội) chính thức được gỡ bỏ để kết nối với không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông - hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng) sắp được khai trương. Việc dỡ hàng rào được thực hiện theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, nhằm tạo không gian mở để nhân dân dễ dàng tiếp cận với công viên, vườn hoa. Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký văn bản thống nhất chủ trương về đề án tổ chức không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng).
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội định hướng nghiên cứu theo hai giai đoạn phát triển không gian đi bộ ở quận Hai Bà Trưng: Giai đoạn 1 xác định không đưa các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du vào tuyến phố đi bộ (do ảnh hưởng tới tổ chức giao thông). Giai đoạn 2 có thể nghiên cứu mở rộng đối với các đoạn tuyến phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du.
Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất đã tổ chức hạ hàng rào tuyến đường Trần Nhân Tông với chiều dài tuyến là 396m, bao gồm 29 trụ bê tông xây gạch và 62 khoang hàng rào trụ thép và 30,5 phên hàng rào. Việc hạ rào nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân.
Theo KTS Ngô Doãn Đức - Chủ tịch Liên đoàn Tư vấn kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc gỡ bỏ hàng rào ở Công viên Thống Nhất là việc làm hay, giúp thúc đẩy sự phát triển của một thành phố hòa bình, thành phố vì mọi người.
Chứng kiến việc gỡ bỏ hàng rào, tạo không gian mở cho công viên Thống Nhất, anh Lê Đại đến từ quận Hoàng Mai cho rằng đây là việc làm nhận được sự đồng tình của người dân, việc gỡ bỏ hàng rào sẽ giúp cho người dân dễ dàng đi lại, ra vào công viên mà không phải mua vé hay bị bất cứ điều gì cản trở, nhưng người dân phải hưởng thụ điều đó một cách văn minh.
“Khi rào chắn được dỡ bỏ mặc dù người dân chúng tôi phấn khởi nhưng sẽ rất khó khăn trong vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, nhiều hệ lụy sẽ phát sinh. Vấn đề này thì cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn để không làm mất đi ý nghĩa của việc gỡ bỏ hàng rào” - anh Đại chia sẻ.
Ông Chu Văn Quân (trú phường Phương Liên, Đống Đa) cũng cho rằng, việc tháo dỡ hàng rào là việc làm thiết thực, tạo thuận tiện cho sinh hoạt, nhu cầu của người dân. Đã là công viên, khu vui chơi công cộng thi không cần phải rào chắn. Còn vấn đề an ninh trật tự thì chính quyền phải lo. Tuy nhiên khi thực hiện công viên mở thì cần phải cấm xe cộ. Bên cạnh đó cần tạo thêm những khu vui chơi mới để tạo sức hấp dẫn.
Theo KTS Ngô Doãn Đức, gỡ hàng rào Công viên Thống Nhất là cần phải thận trọng vì chưa có tiền lệ. Cần coi đây là một phép thử, sau đó sẽ áp dụng đối với các công viên khác. Nếu làm tốt thì đây sẽ là điểm đến thú vị và rất có ý nghĩa với Thủ đô.
“Hiện nay chúng ta sử dụng khuôn viên công viên cho thuê, làm nhà hàng… nhiều thứ không đúng với mục đích, ý nghĩa của một công viên. Khi gỡ bỏ hàng rào, công viên sẽ trở về với đúng mục đích của nó nhưng bên cạnh đó dễ phát sinh những hệ lụy như vấn đề vệ sinh môi trường, an sinh xã hội… Đặc biệt phải có quy hoạch từng khu vực về điểm bán hàng, khu vui chơi… Nghiêm trị những trường hợp coi đây là của chung để làm những việc trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, phản lại tác dụng, mục đích của thành phố. Từ đó sẽ trở thành những bài học, điểm sáng để chúng ta nhân rộng ra các công viên khác. Để làm tốt việc này vai trò của chính quyền và cấp cơ sở là rất quan trọng” - ông Đức nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện bên trong Công viên Thống Nhất có nhiều xe máy vẫn vô tư đi lại. Cùng đó là những dãy xe ô tô xếp dãy dài tạo nên cảnh lộn xộn, thoạt nhìn qua ai cũng nghĩ đây là địa điểm trông giữ xe hơn là công viên.
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, việc thực hiện công viên mở là hợp lý. Tuy nhiên, khi thực hiện công viên mở, việc đầu tiên phải cấm xe máy tránh tình trạng trở thành con đường giao thông, khi đó sẽ mất đi ý nghĩa của một công viên. Đối với một công viên không chỉ đơn giản là hàng cây và hồ nước mà ở đó cần phải tạo ra được những cụm vui chơi giải trí, tạo ra các tiểu cảnh trong công viên để có một kiến trúc phong cảnh… khi đó mới tạo sức hấp dẫn đối với người dân. Nếu đơn thuần chỉ là con đường đi, chỉ có cây và hồ nước thì sẽ không còn là nơi giải trí.