Nằm trong chuỗi hoạt động của dự án phát triển truyện tranh tại Việt Nam, NXB Kim Đồng vừa ra mắt 2 tập sách “Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II” và “Kí ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới”, đồng thời phối hợp cùng Viện Pháp tổ chức tọa đàm “Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa”.
“Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt Nam đến Pháp giữa Thế chiến II” là câu chuyện về những người lính thợ, hay ONS, một cách gọi các lao động người Việt Nam bị trưng tập bắt buộc sang Pháp làm việc trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945).
Cuốn truyện tranh này mang đến câu chuyện sinh động về các lính thợ năm xưa, với những đóng góp không nhỏ cho nền sản xuất ở Pháp và sự ủng hộ nhiệt thành với Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử thế giới.
Trong khi đó, cuốn “Kí ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế Giới” đưa bạn đọc đến với khoảng thời gian gần 100 năm trước, khi những chuyến tàu thủy từ Hải Phòng vượt biển chở theo hàng nghìn nông dân Việt Nam tới các quần đảo ở Châu Đại Dương xa xôi.
Hai cuốn truyện tranh mang đến câu chuyện sinh động về cuộc đời của những người Việt Nam sống xa quê hương trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn bộc lộ nhiều phẩm chất điển hình của người Việt: Cần cù, dũng cảm, lạc quan, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh và luôn hướng về quê cha đất tổ.
“Chính sức mạnh của văn hóa Việt Nam giúp họ luôn đoàn kết và hướng về quê hương, đất nước” - họa sĩ Clément Baloup khẳng định.
Với 2 tập sách “Kí ức kiều bào”, Clément Baloup đã tái hiện những mảnh ghép quá khứ của một cộng đồng người Việt Nam dường như bị lãng quên trong lịch sử.
Mang hai dòng máu Pháp - Việt cùng mối quan tâm đặc biệt dành cho lịch sử và văn hoá Việt Nam, họa sĩ Clément Baloup đã khai thác các câu chuyện dưới nhiều góc nhìn khác nhau: So sánh sự khác biệt giữa góc nhìn từ những nhân chứng với quan điểm từ thế giới bên ngoài; những nỗi băn khoăn trước ngã rẽ số phận của con người khi tha hương; về mối quan hệ giữa các thế hệ (cha mẹ - con cái).
Theo anh, những trang truyện tranh mang đến cơ hội để anh chia sẻ những cảm xúc của mình, vì vẽ là khao khát bày tỏ suy nghĩ cá nhân, là sự đối thoại với quan điểm của người khác, là thể hiện với thế giới góc nhìn của riêng mình.
Họa sĩ Clément Baloup chia sẻ: “Kí ức sẽ dần phai nhạt trong tâm trí mỗi người, bởi vậy, tôi muốn dùng truyện tranh để gắn kết những kí ức mong manh ấy với các mốc thời gian giá trị, nhằm hé lộ những lẽ tất yếu của số phận con người”.
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, hiện nay bạn đọc, đặc biệt là độc giả trẻ rất quan tâm đến hình thức kể chuyện bằng hình ảnh. Những lát cắt lịch sử từng bị lãng quên khi được kể lại bằng truyện tranh không chỉ trở nên gần gũi, dễ tiếp cận hơn mà còn góp phần nhắc nhở chúng ta sống ý nghĩa hơn trong hiện tại.
Hai cuốn sách ra mắt dịp này đặc biệt có ý nghĩa trong năm 2025 - năm đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử lớn của đất nước. Sự xuất hiện của những câu chuyện về kiều bào - những người lính thợ, phu mỏ từng sống và làm việc ở Pháp và New Caledonia không chỉ làm phong phú thêm lịch sử dân tộc mà còn góp phần ghi lại hành trình hội nhập, vượt qua nghịch cảnh nơi đất khách quê người.