Khi viết, tôi thấy rõ mình đang sống

NHẬT HUY 08/01/2023 09:58

Nguyễn Nhật Ánh luôn cho thấy ông là một nhà văn có sức lao động chữ nghĩa bền bỉ. Suốt hàng chục năm nay, đều đặn, năm nào ông cũng cho xuất bản một cuốn sách. Mà cuốn sách nào của ông cũng đều in lần đầu trên 100 ngàn hoặc xấp xỉ 100 ngàn bản. Trong khi, nhiều nhà văn khác muốn ra sách thì tự bỏ tiền. Khá hơn một chút thì được đơn vị xuất bản nào đó in với số lượng chừng 1.500-2.000 bản.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn hiếm hoi ở Việt Nam sống được bằng nghề văn. Nhân dịp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra cuốn sách mới “Những người hàng xóm”, cùng đọc lại những diễn ngôn của ông, để hiểu hơn về quan niệm nghề nghiệp của nhà văn có nhiều sách bán chạy này.

* Có lẽ không có nghề nào trên đời mà công cụ lao động lại đơn giản như nghề văn. Trong khi anh thợ mộc phải sắm cưa, bào, đục, anh thợ may phải sắm máy may, thì nhà văn chỉ cần một cây viết và một xấp giấy đã có thể ung dung hành nghề. Tất nhiên, sang hơn thì dùng máy đánh chữ, sang hơn nữa thì xài computer, nhưng nếu không có những máy móc cồng kềnh đó, giấy và viết kể như đã đủ.

* Nhà văn ắt nhiên phải giỏi dùng chữ. Vì yêu cầu đầu tiên trong thao tác chữ nghĩa của nghề văn là phải chính xác. Giống như đường kim của thợ may hay viên gạch của thợ hồ, đặt lệch một li có khi lại đi hơn một dặm. Ví dụ đơn giản nhất: Nhà văn phải dùng một cách phân biệt từ thánh thót khi nói về tiếng dương cầm và từ réo rắt khi mô tả tiếng vĩ cầm. Cũng như vậy, bập bùng để chỉ tiếng đàn guitar hay véo von dành cho tiếng tiêu, tiếng sáo... Đều là nhạc cụ, nhưng sắc thái âm thanh của từng loại khác nhau rõ rệt. Cũng như sự khác nhau giữa tiếng ăng ẳng của chó, quang quác của gà và ủn ỉn của lợn mà chúng ta nghe thấy hằng ngày. Muốn vậy phải có nhiều chữ để dùng. Giàu chữ: Đó là lời khen với một người làm nghề văn.

* Nghề văn cũng vậy, kiếm chữ thì dễ mà dùng chữ mới thiệt là khó. Khó ở chỗ bạn biết chắc bạn có rất nhiều chữ trong bộ nhớ nhưng đến khi cần dùng thì tìm hoài không ra, không biết nó nằm ở ngóc ngách nào trong đầu bạn. Hệt như khi cần mua đồ mà bỗng nhiên bạn lại không tìm thấy ví tiền trong túi, thiệt là éo le!

* Chữ nghĩa trong đầu xét cho cùng cũng na ná như quần áo trong rương hay trong tủ. Nếu bạn lười, bạn sẽ chỉ mặc đi mặc lại vài bộ xếp ở trên, treo ở ngoài, trong khi ở dưới đáy rương hay trong góc tủ, nếu bạn chịu khó lục lọi, bạn sẽ thấy có những chiếc quần, chiếc áo đẹp đến mức bạn phải sững sờ. Bạn sẽ trố mắt ngạc nhiên: Chiếc áo đẹp thế này, sao lâu nay ta không lấy ra mặc nhỉ? Chữ cũng vậy.

Mỗi tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều được in với số lượng lớn.

* Bản thân tôi là nhà văn, đã viết nhiều sách, nhưng không phải lúc nào tôi cũng tìm thấy những con chữ như ý muốn.

Tôi không biết các nhà văn khác làm thế nào, riêng tôi, tôi khắc phục bằng cách ghi chép. Khi bắt gặp ở đâu đó một từ hay hay mà tôi chưa biết, hoặc một từ đã biết mà ít khi dùng, tôi đều ghi lại và tìm mọi cách để đưa nó vào trang văn của mình. Thỉnh thoảng tôi cũng hay lật từ điển, không phải để tra mà là để xem, lang thang trong đó hàng giờ, giống như các bà nội trợ vẫn hay đi xem (chứ không phải mua) hàng hóa ở các siêu thị lộng lẫy và đồ sộ.

* Nhưng chữ chỉ là chữ, nếu không có nghĩa. Chữ "luynh", chữ "nguynh" rõ ràng vẫn là chữ, nhưng nó không có nghĩa. Nó chỉ là một ký hiệu không chứa thông tin nào, hoặc nói dè dặt là không chứa thông tin nào rõ rệt. Chữ, là phương tiện để giao tiếp, diễn đạt, nên buộc phải có nghĩa. Chúng ta vẫn nghe nói chữ nghĩa đó thôi. Chữ chứa nghĩa như con thuyền chứa món đồ mà nó chuyên chở. Nó không phải là con thuyền rỗng không.

* Những vấn đề ngoài xã hội luôn đa dạng, bộn bề, cái xấu cái tốt, cái hài kịch cái bi kịch đan xen nhau. Tuy tôi có quan tâm nhưng viết về nó là một chuyện khác, vì văn chương không giống với báo chí.

Một nhà văn không thể viết tất cả mọi thứ, vì năng lực của nhà văn không phải là vô hạn. Một nhà văn thường chỉ thích viết và viết hay về đề tài nào mình cảm thấy ám ảnh nhất, gần gũi với thiên hướng sáng tạo của mình nhất.

* Trong suy nghĩ của tôi có rất nhiều điều cần phải kể về tuổi thơ. 30 năm nay tôi toàn viết về tuổi thơ, đó là nỗi ám ảnh lớn nhất. Mỗi nhà văn có một ADN sáng tạo riêng, đối với tôi thì những trang viết về tuổi thơ là những cái gì đó rất máu thịt.

Có lúc tôi cảm giác chính tuổi thơ mượn tay tôi để viết nên những cuốn sách.

* Tôi viết theo tâm tính của mình, theo phong cách của mình, theo sở thích, mặt mạnh của mình. Trong 30 năm qua tôi chỉ viết theo những gì mình thích chứ không viết theo thị hiếu của bạn đọc.

* Tôi luôn yêu và nhớ tiếc tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của tôi không chỉ có bầu trời và dòng sông, cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt hay ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, mà còn có những bạn bè đã xa và những người thân đã khuất.

* Tôi viết sách từ sự ám ảnh tuổi thơ, bạn đọc tìm thấy hình ảnh của chính mình, của thầy cô bố mẹ ông bà mình trong đó, nên các em thích. Còn người đã qua rồi tuổi thơ có đọc thì bắt gặp lại những ký ức của mình, coi như được quay về tắm lại trong dòng sông tuổi thơ, nói một cách văn hóa là như vậy.

* Viết sách thì theo tôi không có bí quyết gì đặc biệt hết. Vì văn chương là chuyện giấy trắng mực đen, mọi thứ phơi ra dưới ánh mặt trời, và mọi nhà văn đều sử dụng một loại nguyên vật liệu như nhau đó là 24 chữ cái, và ráp lại theo cách nào đó nó cho ra tác phẩm này, theo cách nào đó nó cho ra tác phẩm khác.

* Tôi thích viết văn, giản dị vậy thôi. Tôi viết văn không vì những lý do ngoài văn chương nên tôi không bị mất cảm hứng hay động lực. Khi viết, tôi thấy rõ mình đang sống. Tôi vẫn nói với bạn bè rằng tôi viết vì tôi yêu nghề văn. Vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi ngồi dưới mái nhà của mình thong thả viết những trang văn mình thích.

* Với tôi, văn chương giống như khu vườn. Có người bắt sâu, người trồng hoa, người xới đất… Mỗi người một nhiệm vụ thì khu vườn mới xanh tốt. Tâm tính của tôi phù hợp với tuổi thơ nên có thể tôi sẽ viết mãi về tuổi thơ. Những đề tài khác đã có nhà văn khác đảm nhiệm.

* Tôi đổi mới một cách thận trọng từng chút trong tác phẩm. Cũng không hẳn mình phải viết cuốn sách hoàn toàn mới so với cuốn trước đó. Mỗi cuốn sách đều có một nhiệm vụ, sứ mệnh riêng.

Chẳng hạn khi viết "Tôi là Bê tô", "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", tôi muốn đưa vào sách tất cả những chiêm nghiệm, triết lý cuộc sống. Lúc đó tôi nghĩ rằng sống đến tuổi này, mình đã có bao chiêm nghiệm và bài học quý báu từ cuộc sống. Mình có lượng độc giả rất đông, tại sao không nhân cơ hội để đưa những chiêm nghiệm, bài học ý nghĩa đó vào sách để truyền cho bạn đọc trẻ.

Còn khi viết "Cây chuối non đi giày xanh" hay "Bảy bước đến mùa hè", tôi không thể đưa toàn triết lý vào sách được. Thể loại đó, cách kể chuyện đó, không khí đó hoàn toàn không phù hợp cho những chiêm nghiệm từng trải.

Tôi viết cuốn nào cũng ý thức rất rõ rằng cuốn đó sẽ đem lại điều gì. Trước đây, sách của tôi chứa nhiều đối thoại mà ít tả cảnh, đặc biệt là cảnh thiên nhiên. Thành ra viết cuốn "Ngồi khóc trên cây", tôi hạn chế đối thoại để nhường đất miêu tả cảnh thiên nhiên thật nhiều. Đây có thể coi là cuốn sách ít đối thoại nhất của tôi. Khi cầm bút, cái quan trọng nhất với tôi không phải là đổi mới thế nào, cách viết thay đổi ra sao, nó giống hay khác tác phẩm trước mà phải xem tác phẩm ấy đem lại điều gì cho người đọc. Trên hết là đem lại điều gì cho người viết.

* Về mặt lao động chữ nghĩa, tôi thấy viết cho lứa tuổi càng nhỏ càng khó. Lứa tuổi càng nhỏ thì cuộc đời chúng càng đơn giản. Cuộc đời của một nhân vật 18 tuổi thì ít phức tạp hơn cuộc đời nhân vật 28 tuổi. Cuộc đời của nhân vật 16 tuổi ít phức tạp hơn tuổi 18. Và 10 tuổi thì càng ít phức tạp hơn nữa. Nhân vật trong truyện càng nhỏ tuổi thì gần như không có gì để viết. Nó chưa có khổ đau, chưa có va chạm xã hội nhiều… Nên viết cho tuổi nhỏ thì nhà văn phải cực kỳ giỏi.

"Đảo mộng mơ" là thử thách gian nan nhất. Đến khi nộp bản thảo, tôi vẫn chưa thực sự hài lòng. Tuy nhiên, đây là cuốn sách mà tôi rất thích vì nó là cuốn sách trong trẻo nhất của tôi. Không biết đến bao giờ mình mới có thể viết được một cuốn thứ hai như vậy.

* Hiện nay tôi vẫn viết mỗi ngày. Tôi cố sắp xếp công việc để có thể ngồi viết vào buổi sáng, vì đó là thời khắc tôi cảm thấy đầu óc minh mẫn, cơ thể khỏe khoắn nhất. Đó là thói quen tôi đã có từ 30 năm nay. Ngày nào không viết tôi cảm thấy ngày đó mình chưa sống đủ.

* Đã nhiều năm nay, tôi vẫn luôn giữ thói quen khai bút đầu Xuân. Sáng Mùng Một Tết, tôi ngồi trước màn hình máy tính, có hứng thì viết cả trang, không có hứng thì viết dăm ba dòng. Xong rồi, làm gì thì làm. Năm nào cũng vậy.

Giáng sinh năm nay, ngày 25/12, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có mặt ở Hà Nội để tặng chữ ký cho độc giả. Cuốn sách mới của ông lần này có tựa đề “Những người hàng xóm” cùng lúc được NXB Trẻ ấn hành 2 phiên bản. Bản bìa cứng in 20 ngàn bản, bản bìa mềm in 60 ngàn bản. Đó là một con số ấn tượng, một con số mơ ước của nhiều người viết. Sau Hà Nội, ngày 8/1/2023, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ có buổi tặng chữ ký bạn đọc tại TPHCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi viết, tôi thấy rõ mình đang sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO