Triển khai Chương trình GDPT mới tới đây, việc dạy học phát triển năng lực được quan tâm đặc biệt. Bộ GDĐT cũng rất chú trọng tổ chức tập huấn giáo viên, nhằm đổi mới kỹ thuật, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.
Đi kèm theo đó, Bộ đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) bậc THCS và THPT. Trước đó, Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại HS tiểu học cũng được Bộ GDĐT lấy ý kiến trong 2 tháng, từ ngày 9/4/2020.
Đổi mới cách đánh giá
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, mỗi HS là một cá thể độc lập với sự khác biệt về năng lực, trình độ, sở thích, nhu cầu và nền tảng xuất thân. Dạy học phát triển năng lực tức là tìm ra được những cách tiếp cận phù hợp với mỗi HS.
“Không giống như phương pháp “một cỡ vừa cho tất cả”, dạy học phát triển năng lực cho phép HS được áp dụng những gì đã học, thông qua sự gắn kết giữa bài học và cuộc sống. Điều này cũng giúp HS thích ứng với những thay đổi của cuộc sống trong tương lai. Để triển khai một cách hiệu quả thì điều kiện tiên quyết không thể thiếu là sự thay đổi của giáo viên trong việc đánh giá năng lực của HS. Nếu vẫn theo lối mòn cũ thì không thể triển khai thành công chương trình 2018”- ông Nguyễn Võ Kỳ Anh nêu quan điểm.
Theo đó, có nhiều cách đánh giá một HS không chỉ dựa vào điểm số trên lớp mà cần căn cứ vào sự tiến bộ mỗi ngày của học trò. Giáo viên (GV) có thể đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu bài học trong suốt tiến trình dạy học thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập (đánh giá lớp học).
Chú trọng phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của HS với nhiều hình thức như theo lời giải/đáp án mẫu, theo hướng dẫn, hoặc tự xác định tiêu chí để có thể phê phán, tìm được nguyên nhân và nêu cách sửa chữa các sai sót. Việc kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò sẽ giúp cho HS có cơ hội nhìn lại mình và thầy cô giáo cũng gần gũi, thấu hiểu hơn học trò của mình để từ đó tìm ra phương pháp phù hợp để giúp học trò tiến bộ hơn.
Cô vất vả hơn nhưng trò tiến bộ
Về phía Bộ GDĐT, việc thay đổi những quy định về kiểm tra, đánh giá là việc làm thường xuyên nhằm phù hợp với thực tiễn dạy và học có nhiều biến đổi hiện nay.
Gần nhất, hai Dự thảo Thông tư Bộ lấy ý kiến góp ý cho thấy việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục không thể không đi kèm với đó là sự thay đổi cốt lõi trong đánh giá, nhận xét của GV với HS.
Thay vì đóng vai trò “một nhà hiền triết, suối nguồn của tri thức”, GV dạy học theo định hướng phát triển năng lực như mục tiêu của Chương trình GDPT mới đặt ra phải là “người hướng dẫn, đồng hành”, tức là GV làm việc với HS, hướng dẫn chúng học tập, trả lời các câu hỏi, hướng dẫn thảo luận và giúp HS tổng hợp và áp dụng kiến thức.
Kết hợp giữa hình thức đánh giá nhận xét và điểm số, đánh giá thường xuyên với những hình thức phong phú... là kinh nghiệm của cô giáo Trần Thị Phượng, GV Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ. Tới đây, nếu không giới hạn số bài kiểm tra và lấy những điểm tốt nhất... tuy rằng sẽ có những vất vả hơn cho GV nhưng đồng thời sẽ khích lệ sự tiến bộ của HS, không khí lớp học sẽ sinh động, hấp dẫn hơn nhiều. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui của cả cô và trò bởi việc trò có cơ hội để cải thiện điểm số mỗi ngày nếu các em cố gắng...
So sánh với các thông tư về kiểm tra đánh giá HS hiện nay đang áp dụng, rõ ràng có những bất cập. Đó là chưa kể khi triển khai chương trình 2018 sẽ càng khó đạt hiệu quả với những quy định đã có phần không còn phù hợp. Đơn cử hiện tại các trường vẫn áp dụng Thông tư 58 quy định về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT.
Theo các chuyên gia, Thông tư này bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là có những điểm không nhất quán và mang tính tiếp nối giữa cách đánh giá của bậc tiểu học, chưa phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT mới sắp triển khai. Vì vậy, những thay đổi này là cần thiết.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo học trung học (Bộ GDĐT), cho rằng đánh giá thường xuyên là cách theo dõi và khích lệ sự tiến bộ của HS trong quá trình học tập nên quy định mới sẽ không khống chế số lần đánh giá thường xuyên. Những HS được đánh giá nhưng chưa đạt điểm tốt có thể có cơ hội để đánh giá lại bằng các hình thức khác nhau.
Cũng theo ông Thành, những trường hợp HS không có đủ số đầu điểm kiểm tra, nếu có lý do chính đáng sẽ được kiểm tra bù. Nhưng không có lý do chính đáng hoặc không tham gia kiểm tra sẽ bị nhận điểm 0 cho bài kiểm tra đánh giá bị thiếu.