Việc thi công dự án kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã qua địa bàn xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng lún, nứt nhà cửa của hàng trăm hộ dân địa phương.
Sau nhiều lần phản ánh, kêu cứu đến các cơ quan chức năng, những hộ dân có công trình bị ảnh hưởng được xem xét đền bù. Song, quá trình chi trả lại dẫn đến việc thắc mắc vì bà con cho rằng có việc bồi thường chưa công bằng.
Việc nổ mìn xây dựng đoạn kênh đi qua xã Nguyệt Ấn đã làm lún nứt nhà của nhiều hộ dân.
Gian lận trong kê khai?
Mới đây, ông Hoàng Đình Hào, trú thôn Liên Cơ 1, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng vì ông cho rằng gia đình ông cũng như hàng trăm hộ khác chưa được bồi thường thỏa đáng phần thiệt hại nhà cửa bị lún nứt từ dự án nói trên. Cụ thể, có 349 hộ dân bị ảnh hưởng do việc thi công kênh gây ra.
Tuy nhiên, UBND huyện Ngọc Lặc mới chỉ thực hiện việc đền bù trước cho 3 hộ, gồm: Hà Sĩ Sơn, Nguyễn Văn Đức, Quách Trọng Đính ở thôn Liên Cơ 1. Bà con cho rằng, việc làm này thiếu minh bạch, gây bức xúc cho nhân dân.
Ông Hào bức xúc: “Hơn 200 hộ dân có nhà cửa thiệt hại, trong đó có nhiều nhà thiệt hại rất nghiêm trọng nhưng chỉ được áp giá đền bù, hỗ trợ vài chục triệu đồng, không đủ tiền cho người dân sửa chữa. Trong khi đó, tổng số tiền đền bù cho 3 hộ dân nêu trên lên tới hơn 4,7 tỷ đồng”.
Ông Hào cho biết: Trong số 3 hộ dân được nhận hơn 4,7 tỷ đồng, có một trường hợp gian lận trong việc kê khai thiệt hại. Đó là gia đình ông Quách Trọng Đính, hệ thống cửa của hộ dân này làm bằng khung nhôm kính nhưng khi kiểm kê và đền bù lại ghi là cửa gỗ. Ngoài ra, hộ ông Đính có một quán bán hàng, rộng chưa đầy 100 m2 là nơi an toàn để di dời người vào ở tạm, song ông Đính cho phá đi để nhận 370 triệu đồng tiền bồi thường? “Chính việc kiểm kê, tính toán gian lận như vậy nên ông Đính mới được nhận tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng” - ông Hào nói.
Cũng theo ông Hào, sau khi nhận được phản ánh của nhân dân, ông Ngô Tiến Ngọc – Bí thư Huyện ủy huyện Ngọc Lặc đã xuống gặp gỡ, lắng nghe ý kiến phản ánh của bà con. Theo đó, ông Ngọc thừa nhận cán bộ huyện làm sai trong việc đền bù cho 3 hộ dân nêu trên và xin lỗi bà con, đề nghị người dân cung cấp chứng cứ sai phạm để huyện kiểm tra và xử lý cán bộ.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hữu Tư (62 tuổi), ở thôn Liên Cơ 1, xã Nguyệt Ấn nằm cách công trình xây dựng dự án kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đúng 17 m. Vậy nhưng khi đơn vị thi công nổ mìn, đào kênh không thông báo nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng con người. Khi nhà thầu nổ mìn khởi tạo dòng kênh đã làm cho ngôi nhà của ông Tư vừa xây dựng bị nứt toác, sụt lún nghiêm trọng.
“Họ đã làm trái với Quyết định 51/2008/ QĐ-BCT, ngày 30/12/2008, của Bộ Công thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp. Để đảm bảo an toàn, việc nổ mìn phải cách nơi ở của dân từ 200 m trở lên. Trường hợp nhà dân không ở ngoài phạm vi cho phép thì phải di dời, thỏa thuận phương án đền bù. Nhưng vì họ làm trái quy định dẫn tới nhà tôi bị nứt toác, sụt lún. Khi bồi thường thì có biểu hiện thiếu minh bạch nên chúng tôi rất bức xúc”- ông Tư nói.
Cần sớm giải quyết
Tìm hiểu được biết, dự án kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã (thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt) do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (Bộ NNPTNN) làm chủ đầu tư, có tổng dự toán hơn 4.300 tỷ đồng. Đoạn kênh qua xã Nguyệt Ấn dài khoảng 7km. Khu vực này có nhiều đá ngầm nên nhà thầu thực hiện phương án nổ mìn để mở kênh.
Quá trình thi công của nhà thầu đã làm hàng trăm ngôi nhà và các công trình dân sinh khác của người dân ở các thôn: Minh Thạch, Liên Cơ 1, 2, 3, Nán, Tường, Khe Ba bị rạn nứt, lún sụt. Sau đó UBND huyện Ngọc Lặc cùng các cơ quan có thẩm quyền họp dân, kiểm tra, thống kê thiệt hại để bồi thường, nhưng hiện vẫn còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận.
Ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Ấn cho biết: Về sự việc trên, hiện vẫn còn nhiều hộ chưa đồng tình với phương án đền bù thiệt hại về nhà ở, vật thể kiến trúc. Ông Đức nói: “Nhiều lần UBND huyện, các ngành chức năng về tổ họp dân, kiểm tra, thống kê mức độ thiệt hại, lên phương án đền bù nhưng dân vẫn chưa chịu. Chúng tôi rất mong muốn sự việc này sớm giải quyết dứt điểm nhằm ổn định cuộc sống cho người dân”.
Trước nguyện vọng chính đáng của bà con, ông Ngô Tiến Ngọc – Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc khẳng định: Huyện ủy Ngọc Lặc đã chỉ đạo UBND huyện và các phòng, ban liên quan tổ chức họp dân, kiểm tra, thống kê lại những công trình của người dân bị thiệt hại để sớm có hướng xử lý dứt điểm. Huyện sẽ thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Những công trình nào thuộc diện không thể sửa chữa thì phải tháo dỡ để người dân làm lại, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
“Đối với 3 hộ đã nhận tiền đền bù, huyện sẽ điều tra lại. Nếu phát hiện có sai phạm trong việc thống kê, bồi thường thì huyện sẽ xử lý. Cán bộ nào làm sai hay người dân nào cố tình khai báo không đúng, huyện cũng sẽ cương quyết xử lý dứt điểm”- ông Ngọc nói.