Tới thời điểm này, một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động để hút tiền nhàn rỗi từ cư dân, có ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 9,2%/năm. Khi mà nhiều khách hàng đang khấp khởi mừng thầm thì cộng đồng doanh nghiệp lại lo lãi suất cho vay tăng.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng- Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienViet PostBank, áp lực tăng lãi suất chủ yếu là do các ngân hàng tự gây ra. Ngân hàng nào cũng sợ thiếu nguồn, nên cứ muốn nhích lên hơn các ngân hàng khác một chút để thu hút khách, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu thực sự.
Theo ông Hưởng, Thông tư 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực khiến ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động vốn trung, dài hạn. Tuy nhiên, một số sản phẩm huy động tiền gửi kỳ hạn dài (ví dụ chứng chỉ tiền gửi) sẽ không đẩy mặt bằng lãi suất đi lên, bởi huy động vốn trên thị trường hiện nay vẫn chủ yếu là vốn ngắn hạn (khoảng 70%), khách hàng có nguồn để gửi trung, dài hạn không nhiều. Việc thu hút được lượng vốn trung dài hạn này là cần cho bất cứ ngân hàng nào.
Ngoài ra cũng có 3 lý do khác khiến ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động. Đó là, năm ngoái một số ngân hàng dồi dào vốn nên đã ký trước nhiều hợp đồng tín dụng nên bây giờ phải tăng lượng vốn huy động để đáp ứng cho các hợp đồng đã ký. Kinh tế có dấu hiệu phát triển, nên các ngân hàng tăng vốn để dự phòng tăng tín dụng. Bên cạnh đó, trên thị trường vẫn có những khách hàng xin vay vốn bằng bất kỳ giá nào và một số ngân hàng vẫn thích cho vay đối tượng này, đẩy lãi suất lên cao.
Ông Hưởng cho rằng, một số ngân hàng tăng lãi suất thời gian qua chỉ là tức thời và có thể sắp tới hàng loạt ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất. Hiện nay áp lực về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, biến động của kinh tế thế giới... đều chưa có. Ngay cả NHNN cũng khuyến cáo, lãi suất có thể giảm thêm nữa.
“Cá nhân tôi cho rằng, nếu 4 ngân hàng TMCP nhà nước và 8 ngân hàng TMCP lớn đồng lòng, lãi suất không tăng mà thậm chí còn có thể giảm thêm”- ông Hưởng nói.
Còn theo ông Lê Quang Trung- Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) chắc chắn sẽ không có cuộc đua lãi suất nào. Trước đây, ngân hàng đua lãi suất vì thanh khoản yếu, ngân hàng huy động 10 đồng thì cho vay tới 11 đồng (đi vay thêm trên thị trường liên ngân hàng để cho vay). Còn hiện nay thanh khoản của hệ thống dồi dào nên hiện tượng này khó xảy ra.
“Lãi suất huy động thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định, lãi suất huy động trung, dài hạn sẽ duy trì ở mức cao như hiện nay do nhu cầu vốn trung, dài hạn tiếp tục tăng thời gian tới. Đây cũng là dịp các ngân hàng chào bán ra thị trường các sản phẩm huy động vốn trung, dài hạn để thị trường làm quen, từ đó thay đổi hành vi gửi tiền từ kỳ hạn dưới 12 tháng là chủ yếu sang những kỳ hạn dài hơn”- ông Trung nói.
Về diễn biến lãi suất cho vay thời gian tới, ông Trung cho rằng ngân hàng muốn nâng lãi suất cho vay cũng không được vì cho vay cạnh tranh rất khốc liệt, khách hàng có nhiều lựa chọn, nhất là khách hàng có chất lượng tốt. Chính vì lãi suất cho vay không thể tăng, nên lãi suất huy động cũng không thể đua tăng một cách vô tội vạ, nếu không ngân hàng sẽ rơi vào thua lỗ, mất khách.
Đương nhiên, lãi suất cho vay cũng không có mức đồng đều cho tất cả khách hàng mà sẽ tùy thuộc vào chất lượng của từng khách vay. Khách hàng tốt, có khả năng trả nợ, ngân hàng quản lý được dòng tiền… thì lãi suất cho vay chỉ cao hơn lãi suất huy động khoảng 1-2%, nhưng với những khách hàng mà ngân hàng không quản lý được dòng tiền, có mức độ rủi ro cao hơn thì lãi suất cho vay đương nhiên cũng phải chấp nhận cao hơn.
Mặt bằng lãi suất thị trường trong quý I/2017 diễn biến tương đối ổn định. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8-5,4%/năm; 5,6-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; Kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7-7,4%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. |