Ngày 14/6, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, ông Vũ Đức Bảo - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đang xây dựng dự thảo chỉ thị, trong đó yêu cầu điều chuyển, thay thế cán bộ năng lực yếu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Theo đó, Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương. Cán bộ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tâm huyết với công việc, nói đi đôi với làm. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, có lúc, có nơi kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, buông lỏng. Trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu một số cơ quan còn yếu kém, thiếu quyết liệt, sa đà vào công việc có tính sự vụ, thiếu tầm nhìn, thiếu tư duy chiến lược.
Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức "có tâm lý bàn lùi, không làm thì không sai; không dám tham mưu, đề xuất, thậm chí không dám quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền"; tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị khác.
Trước đó, sáng 19/4, tại một hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội cũng đã cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đang rà soát 199 cán bộ thuộc diện quản lý dự kiến điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác.
Trị “bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm”, Trung ương đã có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm khắc phục; yêu cầu thay thế cán bộ năng lực hạn chế. Tháng 9/2022, Bộ Chính trị ra Thông báo số 20 khuyến khích cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, sau khi bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức, nếu không tự nguyện thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm.
Tại Công điện ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu thay thế hoặc điều chuyển công việc những cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; đẩy việc lên cấp trên hoặc sang cơ quan khác. Hậu quả là công việc kéo dài, cản trở, làm giảm hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Cá biệt, có nơi "rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước".
Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Chủ tịch các tỉnh, thành không lạm dụng lấy ý kiến cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm.
Còn nhớ, tháng 9/2021, tại Hội nghị toàn quốc triển khai nghị quyết Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tổng Bí thư cũng nhiều lần nói "ai không làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm".
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV mới đây, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn đề cập việc nhiều cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm, đùn đẩy, làm hỏng việc chung. Có tâm lý "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".
Sáng 1/6, vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã làm “nóng” nghị trường. Ông Vũ Trọng Kim (ĐBQH đoàn Nam Định) nói rằng, có hiện tượng “bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài âu lo”. Ông Kim còn nhấn mạnh, không chỉ sợ sai mà còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, cái gì có lợi thì vơ vào, khó khăn thì đẩy ra cho tổ chức, cho người khác.
Tiếp tục nêu ý kiến, ông Lê Thanh Vân (ĐBQH đoàn cà Mau) cho rằng “cán bộ không làm gì cả” là vi phạm pháp luật, phải xử lý. Ông Vân cũng chỉ ra 3 nhóm cán bộ không dám làm: Thứ nhất là không biết gì để làm. Thứ hai là không có lợi thì không làm. Thứ ba là biết nhưng sợ không làm. “Cả 3 nhóm đều không thực hiện nghĩa vụ mà Nhà nước và nhân dân trao cho. Vi phạm thì phải xử lý nhưng đáng tiếc các cấp, ngành thấy cán bộ không dám làm mà không xử lý” - đại biểu nói.
Trở lại với quyết tâm của Thành ủy Hà Nội giải quyết tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám làm. Xin được có ý kiến rằng, lâu nay không còn nghe câu “Hà Nội không vội được đâu”, có nghĩa là không còn trì trệ, đủng đỉnh. Nay, với việc rất quan trọng này hy vọng Hà Nội sẽ vừa “vội” vừa chắc chắn. Vẫn biết động đến con người là việc rất khó khăn. Nhưng khó cũng phải làm.