Khó hút lao động thất nghiệp học nghề

Lê Bảo 10/06/2023 07:33

Ngoài trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn được hỗ trợ học nghề. Mỗi tháng người lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho đào tạo nghề, thời gian học không quá 6 tháng. Chính sách này giúp họ có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi tìm kiếm một công việc mới. Tuy nhiên, hầu hết người lao động khi bị mất việc không chọn học nghề, vì sao vậy?

Lớp dạy nghề sửa xe máy ở Trường cao đẳng nghề Yên Bái. Ảnh: VTV.

Tính từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề gần 30,4 nghìn người/năm, chỉ chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng năm. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đã giải quyết cho trên 376 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó 368 nghìn người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 7.995 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng và sản xuất kinh doanh nên cắt giảm lao động. Hiện trung bình mỗi lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp gần 6 tháng lương, mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng/người.

Ở góc độ chuyên gia, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới. Trong khi chính sách của bảo hiểm thất nghiệp cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác như ăn ở, đi lại khiến người lao động càng không mặn mà học nghề. Đây chính là nguyên nhân khiến người lao động chọn lựa hưởng bảo trợ thất nghiệp thay vì học nghề.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ, đào tạo nghề cho người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được cơ quan này xây dựng cũng sẽ đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, chính sách cũng dự kiến sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đảm bảo tính khả thi trong thực tế.

Ngoài ra, các chính sách cũng hướng đến việc tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Đó là bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm; bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, ăn ở…) ngoài mức học phí.

Chia sẻ về giải pháp để bảo hiểm thất nghiệp trở thành “bà đỡ” cho thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được gắn với Luật Việc làm. Luật Việc làm năm 2013 quy định rất rõ về đối tượng, phạm vi cũng như việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bản chất của chính sách này là công cụ để góp phần quản trị thị trường lao động và là “bà đỡ”cho thị trường lao động.

Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian vừa qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hoạt động rất cố gắng, tuy nhiên cũng còn nhiều điểm phải điều chỉnh. Vừa rồi, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghe Bộ LĐTB&XH báo cáo về sửa đổi Luật Việc làm, trong đó có một chương về bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời gian tới, phải xử lý làm sao để khi người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn thì phải tìm đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh việc sửa đổi khung pháp lý để thu hút người lao động học nghề, theo các chuyên gia, để chính sách bảo hiểm thất nghiệp phát huy hết vai trò, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà số lao động thất nghiệp, giảm việc làm gia tăng cần xem xét thành lập Quỹ Hỗ trợ nguồn ngân sách để hỗ trợ cho người lao động, tương tự như chính sách hỗ trợ lao động trong đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, Bộ Tài chính đã chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị Covid-19; đã chi từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19 là 30,8 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng. Theo ông Hồ Đức Phớc, hiện nay Bộ Tài chính đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình Chính phủ và trình Thường vụ Quốc hội, dự kiến chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó hút lao động thất nghiệp học nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO