Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, 3 tháng cuối năm 2021 cực kỳ khó khăn khi thiếu lao động, chuỗi cung ứng đứt gãy, mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD khó hoàn thành.
Khó khăn chồng chất
Một khảo sát trong tháng 9/2021 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam với 256 doanh nghiệp (DN) dệt may, giày dép cho thấy, có đến 68,1% số DN cho biết bị đối tác phạt do DN giao hàng chậm; 12,2% DN bị đối tác hủy đơn, phải đền hợp đồng.
Theo VITAS, giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may. Khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Hiện tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35%, do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”. Ngành dệt may đối mặt thách thức thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành vẫn thấp.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết, dịch Covid-19 tác động đã khiến doanh thu của DN sụt giảm, lợi nhuận âm. Khác với nửa đầu năm nay tăng trưởng dương, dệt may đối mặt khó khăn từ tháng 7 khi diễn biến dịch phức tạp và giãn cách kéo dài tại các tỉnh, thành phía Nam. Nhiều DN dệt may phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng. Vì chuỗi cung ứng đứt gãy, họ liên tục phải giao hàng chậm, một số buộc phải giao hàng bằng máy bay bất chấp chi phí đắt đỏ, một vài DN còn bị huỷ đơn...
Sang tháng 8 và 9 ghi nhận xuất khẩu giảm sâu của ngành dệt may. Kim ngạch xuất khẩu chung toàn ngành trong tháng 8 giảm xấp xỉ 16% so với tháng 7 và gần 2,7% so với tháng 8/2020. Sang tháng 9, tình hình chưa mấy cải thiện khi xuất khẩu chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm trên 9% so với tháng 8 và 10,5% so với cùng kỳ 2020. Luỹ kế 9 tháng, dệt may xuất khẩu khoảng 29 tỷ USD.
VITAS dự báo năm 2022, nếu tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, ngành dệt may Việt Nam sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 39 - 42 tỷ USD.
Từng bước gỡ khó
VITAS nhận định, 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Ngành này sẽ phải đối diện với nguy cơ cao nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do người lao động đang có xu hướng về quê, không dễ quay trở lại ngay. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS đánh giá, mục tiêu thực hiện 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là rất chật vật.
Để vượt qua khó khăn, VITAS cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch song hành cùng phương án sản xuất bảo đảm mục tiêu “sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế”.
Theo VITAS, Nhà nước nên cho phép DN bố trí làm thêm giờ theo tháng cao hơn quy định 40 giờ/tháng của pháp luật và không vượt quá 300 giờ/năm để DN có thể bố trí sản xuất giải quyết các đơn hàng tồn đọng sau dịch, hoặc nhận thêm đơn hàng hỗ trợ các DN ngừng sản xuất. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, tuyển dụng đủ lao động và người lao động được tiêm vaccine sẽ tạo điều kiện tốt cho DN yên tâm sản xuất, kịp thời giao hàng, trả hàng trong thời gian đến cuối năm. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam mà còn tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại những năm tới.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, với vai trò đơn vị quản lý ngành, Bộ đã bám sát diễn biến thị trường, phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ những nút thắt cho DN. Đồng thời, xây dựng các giải pháp dài hạn, cải thiện nội tại sản xuất, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, các DN cần đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời đảm bảo được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…