Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận nguồn vốn ODA; bên cạnh đó, do nguồn ngân sách tỉnh hạn hẹp nên nhiều dự án còn thiếu vốn đối ứng để triển khai thực hiện...
Hạ tầng giao thông miền núi Hà Giang rất cần nhiều nguồn vốn trong đó có vốn ODA.
Theo thường trực UBND và Ban vận động ODA tỉnh Hà Giang hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi triển khai thực hiện. Trong đó có 6 dự án do UBND tỉnh là cơ quan chủ quản và 15 dự án do các bộ, ngành làm cơ quan chủ quản.
Năm 2017, Ban vận động ODA tỉnh đã chủ động tham mưu cho Thường trực UBND tỉnh về việc bổ sung vốn nước ngoài cho các dự án không được giao hoặc được giao nhưng không đủ nhu cầu kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư, kế hoạch năm 2017.
Theo thống kê, trong năm, toàn tỉnh đã có 2 dự án được phê duyệt, 2 dự án đang tiến hành đàm phám, 5 dự án đang xây dựng hồ sơ đề xuất; thực hiện giải ngân 416,77 tỷ đồng cho các dự án, đạt 88% so với kế hoạch năm. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận nguồn vốn ODA; ngoài ra, do nguồn ngân sách tỉnh hạn hẹp nên nhiều dự án còn thiếu vốn đối ứng để triển khai thực hiện...
Khó khăn này nên đã dẫn đến việc một số chương trình, dự án thực hiện chậm tiến độ và các vấn đề liên quan đến chất lượng các công trình, dự án đã triển khai. Từ thực trạng này, Ban vận động ODA tỉnh cũng đề xuất một số giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện tốt các công trình, dự án trọng điểm để thu hút nguồn vốn ODA trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì: Năm 2017, Hà Giang là một trong những địa phương thu hút được nhiều các dự án, chương trình từ nguồn vốn ODA. Kết quả đó cho thấy sự nỗ lực, linh hoạt của Ban vận động ODA tỉnh trong thực hiện công tác tham mưu và triển khai tốt việc thu hút các nguồn vốn ODA.
Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: Ban vận động và các ngành, các cấp, các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng với tỉnh nâng cao hiệu quả vận động thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên địa bàn.
Ủy Ban tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại quy chế làm việc, chức năng nhiệm vụ của Ban vận động cho phù hợp, sâu sát, chất lượng hơn. Tiến hành rà soát các dự án đang và sẽ triển khai, trên cơ sở căn cứ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, nguồn lực địa phương kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch trung hạn về vốn đối ứng các dự án ODA và quy định triển khai dự án ODA một cách cụ thể.
Tập trung hoàn thiện Đề án Thành lập Ban quản lý dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư nắm bắt chặt chẽ quy định của trung ương và của tỉnh về thực hiện các dự án liên quan đến thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong năm 2018...