Thời gian qua, tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), lợi dụng dự án nạo vét tuyến sông Lạch Trường, tình trạng hút cát trái phép và các bãi tập kết cát trá hình đã xuất hiện tại các xã có dòng chảy đi qua. Việc hút cát, kinh doanh buôn bán cát này đã mang về nguồn lợi không hề nhỏ cho các chủ đầu nậu cát ở đây. Mặc cho địa phương đã nỗ lực xử lý nhưng thực trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bãi tập kết cát trái phép tại thị trấn Bút Sơn trực tiếp bị Chủ tịch huyện xử lý.
Lợi dụng dự án, tập kết cát trá hình.
Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến sông Lạch Trường tình hình khai thác, tập kết cát trái phép diễn ra tấp nập, nhất là vào ban đêm. Ông Lê Thanh Hào, Chủ tịch UBND xã Hoắng Cát thừa nhận sự việc trong tâm trạng khá bất lực: “Việc khai thác cát trái phép trên địa bàn còn diễn ra, mặc dù chính quyền địa phương đã huy động tối đa các lực lượng nhưng cát tặc cứ bất chấp hoạt động vào ban đêm. Vừa qua huyện và xã đã phối hợp bắt 1 thuyền khai thác cát trái phép, xử phạt 8 triệu đồng.”
Trước đó, ngày 2/3, tại địa bàn thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, xuất hiện một bãi tập kết cát trái phép ngang nhiên hoạt động, gây bức xúc trong dư luận. Đích thân ông Lê Đức Giang, Chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp cùng các ban ngành chức năng đến kiểm tra thực tế tại hiện trường để xác minh. Qua làm việc với Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn và lãnh đạo Ban Quản lý dự án giao thông II - Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa (đơn vị thực hiện dự án nạo vét sông Lạch Trường), xác định đây là bãi tập kết cát trái phép, trá hình dưới vỏ bọc bãi chứa phụ phẩm cho dự án nạo vét, ngay lập tức, ông Giang đã yêu cầu lực lượng chức năng đưa nguyên vật liệu đến đóng cọc, rào đường ra vào của bãi cát trái phép này.
Theo nhiều người dân địa phương phản ánh cho thấy: Bãi tập kết cát trái phép nêu trên đã đi vào hoạt động trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, vì vẫn tưởng đây là bãi chứa phụ phẩm của dự án nạo vét sông Lạch Trường nên người dân và chính quyền cũng không hề hay biết.
Ô nhiễm, mất đất canh tác
Do tình trạng các bãi tập kết cát trái phép dọc tuyến đê Lạch Trường đã dẫn đến thực trạng xe tải nhỏ, xe quá tải ra vào vận chuyển cát, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, khi màn đêm buông xuống, nhiều tàu hút cát công suất lớn lợi dụng danh nghĩa dự án nạo vét vươn vòi bạch tuộc hút cát trái phép ở các bờ sông thuộc địa phận các xã Hoằng Xuyên, Hoằng Đức, gây sạt lở, mất đất canh tác hoa màu của người dân. Tình trạng này diễn ra đã lâu và đã được kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong nhân dân.
Trước đó, trao đổi vấn đề này với Đại Đoàn kết, ông Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa khẳng định: Bãi tập kết cát trái phép ở thị trấn Bút Sơn trước đây là Ban Quản lý Dự án Giao thông II có văn bản xin cho làm bãi chứa phụ phẩm nạo vét, nay đã chấm dứt hoạt động, cho chủ bãi giải phóng số lượng cát trên bãi. Lỗi tồn tại bãi tập kết cát này không phải là huyện, mà do chủ đầu tư xin cấp bãi, không quản lý được.(?) “Việc cát tặc lộng hành trên sông, chính quyền thường xuyên phải vào cuộc. Trong tuần huyện sẽ giải quyết bãi tập kết cát dứt điểm” – ông Tuy khẳng định.
Huyện trả lời là vậy, tuy nhiên, theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án Giao thông II thì tại thị trấn Bút Sơn không hề có việc đơn vị làm thủ tục, giấy tờ mượn đất làm bãi chứa phụ phẩm như ông Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa nói. Đồng thời, qua làm việc trực tiếp tại hiện trường cùng Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Giao thông II cũng khẳng định đây là bãi tập kết cát trá hình.(?)
Được biết, dự án nạo vét sông Lạch Trường đoạn từ cầu Tào đến cửa Lạch Sung được tỉnh Thanh Hóa triển khai từ năm 2012, nhằm bảo đảm giao thông thủy cho tàu, thuyền đến 400CV, tăng cường khả năng tiêu thoát lũ cho sông Mã và sông Lạch Trường. Tuy nhiên, lợi dụng vào việc nạo vét này, nhiều địa phương có dòng sông đi qua đã xuất hiện tình trạng hút cát trái phép và các bãi tập kết cát trá hình.