Dự án đường vành đai phía Tây dài 19 km qua nhiều xã của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) khởi công từ tháng 10/2018, với mốc thời gian ấn định hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn còn dang dở.
Cơm vừa xới ra đã bị bụi phủ vàng
Người dân thôn Hương Lam, xã Hòa Khương (gần khu vực giao cắt giữa QL 14B với tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng đang thi công) cho biết, gần 5 năm qua họ luôn phải thấp thỏm lo bùn đất tràn xuống lấp ruộng vườn, nhà cửa vào mùa mưa và chịu đựng cảnh bụi mù vào mùa nắng. Chỉ tay lên mái nhà phủ lớp bụi dày, ông Trần Hường - người dân thôn Hương Lam nói rằng, nhà ông đóng kín cửa từ sáng sớm đến tận đêm khuya nhưng bụi vẫn phủ đầy bàn ghế, giường tủ, áo quần. Chén (bát) cơm trắng vừa xới ra đã bị bụi phủ vàng. Mỗi khi bụi nhiều quá, không chịu nổi, người dân lại gọi điện cho Chủ tịch xã yêu cầu doanh nghiệp thi công tưới nước.
Ông Lê Chước - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Khương chia sẻ, thôn Hương Lam có khoảng 100 hộ dân chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dự án đường vành đai phía Tây. Cuối tháng 10/2022 rất nhiều nhà dân thôn Hương Lam phải “ngâm” trong nước do ảnh hưởng của tuyến đường đang thi công. Không chỉ có ruộng vườn bị vùi lấp, khu đất Bàu Chồn rộng trên 1ha của thôn Hương Lam cũng phải bỏ hoang do ngập nước.
Do nằm dưới chân đường vành đai phía Tây đang thi công nên mỗi khi có gió lớn, cả thôn chìm trong bụi. Ông Phan Viết Hòa - Trưởng thôn Hòa Thọ cho biết, ngoài ô nhiễm bụi, cả thôn có 28 hộ thiệt hại nặng nề do đất, đá và bùn tràn xuống lấp ruộng vườn. Thiệt hại nặng nhất là hộ bà Hồ Thị Bông, hộ ông Nguyễn Minh Hạo và ông Lê Minh. Từ khi tuyến đường vành đai phía Tây thi công qua thôn Hòa Thọ, vườn cây ăn trái lâu năm của các hộ gia đình trong thôn bị vùi lấp, mất mùa luôn. Theo lời ông Nguyễn Văn Bảo - Trưởng thôn Đông Lâm thì 5 năm qua hơn 1ha ruộng của thôn không thể sản xuất được do đất đá từ quá trình thi công đường vành đai phía Tây tràn xuống.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Phú Lê Thị Kim Cúc cho biết, 3 thôn của xã là Hòa Thọ, Đông Lâm, Hội Phước ảnh hưởng nặng nề từ quá trình thi công dự án đường vành đai phía Tây. Khổ nhất là xã Hòa Thọ vì đường ở trên đồi, nhà dân ở dưới thấp nên đất đá, nước mưa, bùn, bụi cứ mặc sức tràn xuống lấp ruộng vườn, nhà cửa. MTTQ xã đã nhiều lần tập hợp ý kiến phản ánh của người dân gửi các cấp thẩm quyền nhưng chưa có hướng giải quyết tích cực
Dân khổ vì dự án kéo dài
Liên quan đến dự án đường vành đai phía Tây thi công kéo dài, ngày 1/8/2023, Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã có Công văn gửi Thường trực Huyện ủy; HĐND, UBND huyện và Tổ đại biểu HĐND huyện (đơn vị xã Hòa Phú, Hòa Ninh). Tại Công văn này, Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang nêu rõ: Đường vành đai phía Tây qua các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên (do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng là chủ đầu tư, đơn vị thi công là Liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP Cienco 1), thi công kéo dài nhiều năm nhưng chưa hoàn thiện.
Tại thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, cao trình đường vành đai phía Tây lớn hơn rất nhiều so với mặt bằng nhà dân, sau mỗi trận mưa, bùn đất trút xuống ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tại thôn 5, xã Hòa Ninh, lưu lượng xe chở đất thi công đường vành đai phía Tây chạy vào đường nông thôn liên tục cả ngày, mang theo đất đá, làm lầy lội khi trời mưa, ảnh hưởng tới đi lại, người dân rất bức xúc.
Được biết, dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng thuộc dự án nhóm B, công trình giao thông cấp II có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.134 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Đường vành đai phía Tây dài hơn 19 km có điểm đầu giao cắt với tuyến QL 14B thuộc xã Hòa Khương; điểm cuối tại vị trí Km 19+177,3 nối với đường Hồ Chí Minh. Dự án khởi công từ tháng 10/2018 và có lộ trình hoàn thành vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 3 lần gia hạn dự án vẫn dang dở gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống, sinh kế của người dân 5 xã thuộc huyện Hòa Vang.