Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 xe buýt, đa phần là xe cỡ lớn 16 tới 29 chỗ ngồi nhưng hiện nay, các bến bãi dành cho phương tiện này dừng đậu lại không tương xứng.
Rất nhiều phương tiện phải di chuyển một quãng đường lớn sau thời gian làm việc để tìm bến bãi gây ra tình trạng tốn kém, ùn tắc và không thuận tiện. Thậm chí nhiều DN xe buýt cho biết, họ buộc phải tự lo bến bãi cho các xe của mình bằng cách thuê mặt bằng riêng.
Mặc dù các DN đầu tư nhưng xe buýt thực tế là phương tiện giao thông được chính quyền thành phố xây dựng với mục đích giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn. Vài năm gần đây, hoạt động của xe buýt gặp nhiều khó khăn. Cả DN, chính quyền thành phố hay người dân đều gặp những vấn đề riêng với xe buýt. Trong khi đó, dù được trợ giá để duy trì hoạt động nhưng các doanh nghiệp đầu tư xe buýt cho biết họ vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, một trong số đó là bến bãi, hạ tầng dành cho xe buýt. Hiện nay các bến xe có nhiều tuyến đến và đi như An Sương, bến Miền Đông, Miền Tây, Chợ Lớn, công viên 23/9… hầu hết xe buýt đến và đi ngay. Riêng ban đêm, xe buýt phải đi về các bến bãi ở xa ngoại ô, cách điểm dừng cả chục cây số. Đại diện một DN cho biết, hiện nay xe buýt hoạt động trong môi trường ùn tắc, kẹt xe rất nặng nề. Thế nhưng khi hết tuyến, xe lại phải chạy hàng chục cây số mới có bến bãi neo đậu, gây bất tiện và tốn kém nhiên liệu. Với các xe chạy bằng khí đốt, tình hình còn nghiêm trọng hơn khi hàng ngày phải chạy thêm cả chục cây số nữa để nạp khí. Quãng đường xe chạy “không tải” tương đương với lộ trình cả tuyến.
Thực ra tình trạng thiếu hụt bến bãi xe buýt không mới, xuất hiện từ chục năm trước nhưng lại không được cải thiện. Trong khi số lượng xe buýt phát triển lên nhưng bến bãi, nơi đậu lại giảm đi do tốc độ đô thị hoá, khan hiếm mặt bằng, nhất là các quận ven trung tâm. Việc bố trí các bến bãi cũng rất phức tạp, nếu khu vực nằm xa điểm đầu/cuối thì xe buýt phải di chuyển xa mà gần các khu vực này thì hạ tầng không có. Mặc dù xác định là phương tiện giao thông công cộng chủ lực ở TPHCM và chính quyền thành phố cũng đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực này, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận hành của hệ thống xe buýt.