So với nhiều năm trước, thực trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn tại Cụm công nghiệp Đông Vĩnh (TP Vinh) tuy có giảm nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối của người dân sống xung quanh.
Bức xúc vì ô nhiễm
Thời gian qua, người dân khối Vĩnh Yên, phường Đông Vĩnh, TP Vinh (Nghệ An) phản ánh về tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn do các nhà máy đóng tại Cụm công nghiệp (CCN) Đông Vĩnh gây ra khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Trong đơn kêu cứu, họ cho rằng tiếng ồn và khói bụi xuất phát từ Công ty Sơn tĩnh điện Huy Hoàng và Công ty Xuân Ngọc (đóng trong khu vực CCN Đông Vĩnh). Theo đó, việc bụi bẩn và tiếng ồn tại 2 đơn vị trên đã khiến quần áo, các vật dụng sinh hoạt bám đen sì, rất khổ sở. “Không những vậy, việc tiếng ồn xuất phát từ các nhà máy trong Tiểu khu công nghiệp đã khiến trẻ em khó tập trung học bài, việc nghỉ ngơi bị ảnh hưởng, kể cả ngày nghỉ” - ông Nguyễn Văn Phượng, người dân xóm Vĩnh Yên nói.
Cũng chung nỗi bức xúc, ông Nguyễn Văn Thuận, trú tại khối Vĩnh Yên cho rằng, vấn đề ô nhiễm tại đây diễn ra nhiều năm liền, nhất là bụi bẩn và tiếng ồn. “Khi chúng tôi lên tiếng, được một thời gian ngắn nhưng sau đó vấn đề ô nhiễm lại quay trở lại”. Nặng nhất có thể kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Hoàng Anh, nhà sát bờ tường Công ty Sơn tĩnh điện Huy Hoàng, mỗi lần đơn vị này sản xuất bụi bẩn bay vào nhà, bám hết các đồ dùng, vườn tược cây cối đều “nhuộm” một màu bụi bẩn.
Đó cũng là nỗi bức xúc của nhiều gia đình tại khối Vĩnh Yên - khu dân cư nằm gần CCN Đông Vĩnh. Theo ông Nguyễn Hữu Thuận - Khối trưởng khối Vĩnh Yên cho biết, CCN này có từ năm 2004, đến nay đã hơn 20 năm, nhiều năm nay, những người dân sinh sống ở phường Đông Vĩnh nói chung và khối Vĩnh Yên riêng hết sức khó chịu, khổ sở, bức bối vì bị tra tấn bởi tiếng ồn, bụi bặm từ những doanh nghiệp sản xuất. Bởi, khoảng cách từ khu dân cư đến các nhà máy rất gần, thậm chí cách nhau một bức tường. “Mong muốn của chúng tôi là đề nghị các ngành, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp di dời các nhà máy tại tiểu khu công nghiệp Đông Vĩnh ra khỏi khu dân cư, để cuộc sống của người dân nơi đây bớt ô nhiễm” - ông Thuận nói.
Di dời là “thượng sách”
CCN Đông Vĩnh thuộc phường Đông Vĩnh, TP Vinh với tổng diện tích 5,34ha, có gần 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay đang là “điểm nóng” về vấn đề môi trường, khiến người dân địa phương bức xúc. Cụ thể, cách đây không lâu, tại CCN Đông Vĩnh khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đã phát hiện Công ty CP Bao bì Nghệ An (hiện đã di dời một phần) có nước thải sinh hoạt xử lý chưa đảm bảo theo quy chuẩn hiện hành (BOD5 vượt 1,31 lần, Coliforms vượt 18 lần so với quy chuẩn cho phép). Đó là chưa kể nhiều hệ lụy về môi trường tồn tại lâu nay tại CCN Đông Vĩnh vẫn chưa thể giải quyết được dứt điểm khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh bị đảo lộn.
Thậm chí, thậm chí, do môi trường quá ô nhiễm nên trường học THCS Đông Vĩnh trên địa bàn phải đóng cửa nhiều năm nay. 1.000 học sinh ở ngôi trường này phải chuyển sang các phường, xã lân cận. Trước vấn đề này, vào cuối năm 2019, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành và TP Vinh sớm có lộ trình đưa các CCN có nguy cơ ô nhiễm cao ra khỏi thành phố. Trong đó, phải sớm có phương án di dời các cơ sở, đơn vị có ngành nghề sản xuất kinh doanh nguy cơ ô nhiễm hiện hữu. Tuy nhiên, đến nay việc di dời CCN này ra khỏi khu dân cư vẫn chưa thể thực hiện.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hoà - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh (TP Vinh) về tình trạng ô nhiễm tại CCN Đông Vĩnh, ông Hoà cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm nay của địa phương. Đối với những phản ánh của người dân khối Vĩnh Yên về ô nhiễm bụi, tiếng ồn là có cơ sở. “Sau khi nhận được phản ánh, quá trình kiểm tra, các đơn vị có khắc phục. Tuy nhiên, với chức năng của phường, chúng tôi không thể quan trắc, thẩm định được việc ô nhiễm nằm ở mức độ nào” - ông Hoà cho biết thêm.
Nói về mong muốn của người dân là di dời Cụm công nghiệp Đông Vĩnh ra khỏi khu dân cư, ông Hoà cho biết, đây là mong muốn của người dân, cũng như chính quyền. Tuy nhiên, vấn đề này vượt quá thẩm quyền của phường.
Được biết, tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 53 CCN được quy hoạch tại TP Vinh, Diễn Châu, Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa... Trong đó, có 24 CCN đã thu hút được khoảng trên 250 doanh nghiệp đi vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%.