Tại Điều 216, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người chây ỳ, trốn, hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động sẽ bị xử lý hình sự. Một số luật khác, trong đó có Luật Công đoàn có quy định: Tổ chức công đoàn có quyền thay mặt người lao động khởi kiện chủ đơn vị, doanh nghiệp trốn, nợ đọng BHXH kéo dài ra tòa án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Song, từ khi các đạo luật có hiệu lực pháp luật thì hầu như rơi bế tắc không thể triển khai trong thực tế.
Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH của đơn vị, doanh nghiệp trên toàn quốc là khá nhiều. Ở một số tỉnh, thành phố, tổ chức công đoàn cũng đã thực hiện việc thay mặt người lao động để khởi kiện ra tòa, nhưng hầu hết không giải quyết được vấn đề tồn tại. Khi một số tổ chức công đoàn nộp hồ sơ khởi kiện đã bị tòa án trả lại đơn với lý do: Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh không có quyền đại diện cho cơ quan BHXH kiện đòi BHXH, đồng thời việc kiện đòi BHXH cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Theo Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Đình Quảng, nếu theo quy định phải có sự ủy quyền của người lao động để công đoàn cơ sở có thể khởi kiện ra tòa thì khó khả thi, bởi tổ chức công đoàn không thể đủ nhân lực để “đi thu gom” ủy quyền của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người lao động trong doanh nghiệp. Cách duy nhất để người lao động bảo đảm quyền lợi của mình là phải tự mình khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, yêu cầu buộc đóng BHXH cho người lao động. Song, nếu mỗi người lao động phải tự khởi kiện ra tòa đòi BHXH, thì sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hồ sơ nộp tới tòa án gây quá tải.
Mặt khác, cũng ít có công đoàn cơ sở nào đứng ra khởi kiện chủ sử dụng lao động của chính họ. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động cũng không dám ủy quyền để kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần việc làm. Trong khi đó, doanh nghiệp luôn trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện. Hàng loạt khó khăn thách thức cả chủ quan và khách quan đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc quyền lợi được đóng BHXH của người lao động bị các đơn vị, doanh nghiệp xâm phạm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý hành chính đối với hành vi trốn, nợ đọng BHXH khó một thì việc xử lý hình sự khó mười. Việc thực hiện thủ tục tố tụng chưa nhất quán giữa các cơ quan có trách nhiệm. Ví dụ, các bên chưa thống nhất chung vì có quan điểm chưa cấu thành đầy đủ vi phạm về tội trốn đóng BHXH để khởi tố. Do vậy, đến nay chưa khởi tố được đơn vị nào.
Theo thống kê, từ năm 2020, BHXH TPHCM đã chuyển hồ sơ gần 90 đơn vị nợ BHXH kéo dài đến cơ quan điều tra, kiến nghị khởi tố, nhưng cũng chưa thể xử lý dứt điểm. Đến nay, có hơn 50 đơn vị trong tổng số đó đã chịu nộp tiền khắc phục nợ bởi lo sợ bị vướng đáo tụng đình. Mới đây, BHXH TP Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố, đồng thời đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội “xử lý điểm” một số đơn vị trốn, nợ đọng BHXH để tạo sức lan tỏa, nhằm răn đe những đơn vị khác.