Cả cuộc đời gắn bó với ngành khoa học cơ bản, GS. TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng, đứng về mặt giáo dục, các trường phổ thông, trường đại học (ĐH) cần khuyến khích, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tìm hiểu, tạo ra hứng thú say mê đối với các ngành khoa học cơ bản. Từ đó mới mong thu hút được người giỏi vào lĩnh vực này và kiên trì bám trụ sau khi tốt nghiệp.
GS. TSKH Đặng Ứng Vận đã có những trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
PV: Kết quả tuyển sinh ĐH năm 2020 và 2021 đều cho thấy sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề được thí sinh lựa chọn. Theo ông vì sao nhóm ngành khoa học cơ bản lại không thu hút được sinh viên theo học?
GS. TSKH Đặng Ứng Vận: Có thể chỉ ra 2 nguyên nhân lớn để nhóm ngành này ít được người học lựa chọn: Học khó và lương không cao.
Cụ thể, ngay trong quá trình học ĐH, các ngành khoa học cơ bản ngoài học lý thuyết đều yêu cầu thực hành, nghiên cứu với mức độ khó dần tăng lên.
Thứ hai, triển vọng việc làm sau khi ra trường cũng không mở rộng như nhiều ngành nghề khác. Một số ít sinh viên giỏi có thể được giữ lại trường, đầu quân vào các viện nghiên cứu nhưng để có được chỗ đứng trong nghề, cần tiếp tục học lên cao hơn, có các công trình nghiên cứu được công nhận… Chặng đường gian nan nhưng bản thân các viện nghiên cứu cũng khó có thể trả cho nghiên cứu viên lương cao so với nhiều doanh nghiệp khác. Nên thực tế, nhiều sinh viên học các ngành này sau khi tốt nghiệp cũng tham gia vào các doanh nghiệp thay vì chọn hướng chuyên sâu nghiên cứu nhiều thử thách và rủi ro cao.
Đây là những ngành học rất cần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng lại không mấy sức hút đối với sinh viên. Ngay cả khi ra trường rồi các em cũng chật vật xin việc đúng chuyên ngành như giáo sư vừa nhắc đến?
- Đúng vậy. Ngành nào cũng có giai đoạn khởi đầu khó khăn. Nhưng với khoa học cơ bản, ngay cả khi đã thành giáo sư rồi thì lương cũng không cao.
Theo tôi, ngành nào cũng đòi hỏi kết quả. Riêng nghiên cứu khoa học cơ bản, kết quả này phải là sáng tạo, không thể bắt chước nên trong quá trình nghiên cứu, có thể có rủi ro, thậm chí trong thời gian dài nghiên cứu không có tiến triển gì là chuyện bình thường. Vì vậy, yếu tố tiên quyết là phải đam mê.
Vậy theo giáo sư, cần có những hỗ trợ như thế nào để các ngành khoa học cơ bản không “khát” sinh viên, nhất là những sinh viên chất lượng?
- Rõ ràng là phải phối hợp nhiều chính sách mới có thể phát huy tác dụng chứ không thể chỉ 1 vài hành động đơn lẻ của cá nhân nhà khoa học hay nhà trường… có thể giải quyết được câu chuyện này. Ví dụ, từ phía các trường phải chủ động đột phá vào nguồn lực. Thiếu nguồn lực bên trong thì huy động từ bên ngoài. Nguồn lực không chỉ là đầu tư tiền của mà còn là chất lượng đội ngũ, những người có khả năng mang lại tiền của cho nhà trường theo các loại hình khác nhau từ việc tạo sức hút đối với người học đến việc chuyển giao công nghệ.
Vừa qua chúng ta có những trường được quốc tế xếp hạng và theo khảo sát của chúng tôi, các trường này đều có đầu tư tốt cho cơ sở vật chất, đều có chính sách thỏa đáng về đội ngũ hoặc huy động tốt nguồn lực bên ngoài. ĐH Phenikaa trong một thời gian ngắn nhờ chính sách thu hút nhân tài tốt (khoảng 2 năm sau tái cơ cấu cổ đông) nhà trường có bước đột phá về nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Ưu thế của giải pháp đột phá này còn là khai thác được Quỹ Naforsted của Bộ Khoa học và Công nghệ và đề tài các cấp.
Bài học huy động nguồn lực bên ngoài thông qua mở rộng hợp tác trong và ngoài nước của Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân cũng nên học tập.
Trước đây có chương trình khoa học cơ bản quốc gia, nhà nước cung cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu, chúng tôi vẫn nói đùa là “cứu đói” cho các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản nhưng hướng tập trung chủ yếu vào các nhà khoa học trong nước.
Hiện nay Quỹ Naforsted của Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ bản đã thúc đẩy chất lượng các nghiên cứu cơ bản của nước ta nhưng theo tôi có một vấn đề cần lưu ý. Đó là hiện tượng đầu tư gián tiếp cho các nhà khoa học nước ngoài thông qua các hợp tác giữa chủ trì nhiệm vụ với các nhà khoa học quốc tế nhằm khai thác nhân lực và phương tiện nghiên cứu từ cácTrung tâmKHCN tiên tiến để nhanh chóng đáp ứng điều kiện công bố quốc tế của Quỹ. Ở nước ta, một số trường huy động nguồn lực từ bên ngoài rất giỏi để dành được kinh phí hỗ trợ từ quỹ này cũng như những nguồn kinh phí khác.
Đứng về mặt quản lý vĩ mô, nên lưu ý chuyện này. Chỉ số “tự lực tự cường” nên được đưa vào quá trình xét duyệt đề tài.
Như vậy về phía các trường ĐH cũng cần chủ động thay đổi chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp để tạo ra nguồn lực vững vàng.
Cần thiết tập trung vào việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Bởi phần lớn giảng viên ở các trường ĐH được kiểm định đều cho rằng chỉ cần có đầu ra tốt, sinh viên sẽ đam mê học tập. Bài học đào tạo cho doanh nghiệp như ĐH FPT là một hướng cần học tập. Hoặc xây dựng mô hình liên kết với hơn 100 doanh nghiệp như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Phải dùng nhiều hình thức huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp thay vì chỉ trông chờ đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, từ khoa học cơ bản đến cái doanh nghiệp có thể thừa nhận và thu lợi nhuận được là một khoảng cách. Vì vậy, nếu không có cầu nối, không có những quỹ đầu tư mạo hiểm thì các nhà khoa học cơ bản không thể mang các sáng kiến của mình vào sản xuất được. Khi đó, các doanh nghiệp vẫn chần chừ không muốn đầu tư vào. Nên tôi cho rằng nhà nước nên có một quỹ như vậy để khuyến khích đầu tư nghiên cứu ở các nhà trường, viện nghiên cứu.
Cuối cùng, thay cho việc cố gắng cung cấp cho sinh viên một chỗ làm ổn định khi ra trường, chúng ta còn có một cách đi khác là tạo cho các em năng lực tồn tại, lập nghiệp và phát triển trong sự đa dạng của thị trường lao động.
Trân trọng cảm ơn ông!